Phóng xạ: thủ phạm làng ung thư Thạch Sơn?

Với những phương pháp và thiết bị phân tích hiện đại nhất, nhóm khoa học trong nước đã góp phần khoanh vùng thủ phạm gây ra “làng ung thư” Thạch Sơn (Phú Thọ).

Nhóm các nhà khoa học trong nước đã công bố các số liệu và kết luận về vấn đề này trên tạp chí “Thông tin Khoa học Công nghệ Hạt nhân”, số 1 và 2, năm 2010 /*/ của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ).


Hàng trăm lò gạch xả khói gây hại môi trường tại xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao
- Phú Thọ. Ảnh: NLĐ.

Bài toán môi trường

Trong nhiều năm gần đây, xã Thạch Sơn thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ bỗng được chú ý với cái tên gọi lạ - “làng ung thư” bởi có số người bị bệnh hiểm nghèo cao hơn nhiều so mức bình thường. Tình trạng đó khiến dư luận xã hội đặt ra những câu hỏi liên quan đến sự hiện diện bao nhiêu năm nay trên địa bàn hai xã Thạch Sơn và Chu Hóa (gọi chung là “làng Thạch Sơn”) một số nhà máy như Supe phốt phát Lâm Thao, Pin - Ắc quy Vĩnh Phú, nhiều lò gạch san sát...

Câu hỏi được đặt ra là, phải chăng những cơ sở công nghiệp này đã phát tán những chất ô nhiễm nguy hại đến sức khỏe dân chúng như hóa chất độc hay chất phóng xạ?

Trong bài viết này không đề cập đến loại thủ phạm thứ nhất, chỉ đi tìm lời đáp cho câu hỏi: ô nhiễm phóng xạ có phải là thủ phạm không? Một đề tài nghiên cứu khoa học đã giao cho nhóm khoa học thuộc hai viện nghiên cứu, Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân và Viện Y học & Vệ sinh Môi trường, phối hợp thực hiện trong các năm 2006-2010.

Dĩ nhiên, không chỉ dân cư “làng Thạch Sơn”, mà bất kỳ ai, dù ở nơi nào trên quả đất này, cũng hàng ngày và suốt đời sống trong một môi trường chứa chất phóng xạ. Vấn đề đặt ra là phải khảo sát, phân tích để làm sáng tỏ mức độ chất phóng xạ, hay độ nhiễm bẩn phóng xạ ở vùng Thạch Sơn có quá cao so với tiêu chuẩn cho phép, và cao so với những địa điểm kế cận nhưng nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của các nhà máy như Supe phốt phát Lâm Thao, Pin - Ắc quy Vĩnh Phú....

Nếu câu trả lời là phủ định, chí ít là không khám phá được sự chênh lệch đáng kể độ nhiễm bẩn phóng xạ giữa hai khu vực nói trên, nghi ngờ và đối chứng, thì có nghĩa là thủ phạm gây nên sự kiện “làng ung thư Thạch Sơn” không phải là phóng xạ.

Chọn lựa đối tượng

Môi trường phóng xạ mà con người đang chung sống bao gồm hai loại: phóng xạ tự nhiên và phóng xạ nhân tạo.

Phóng xạ nhân tạo sinh ra trong các phòng thí nghiệm và đặc biệt do các vụ thử vũ khí hạt nhân trong nhiều năm trước. Tuy nhiên, trên lãnh thổ Việt Nam, theo kết quả khảo sát gần đây của các nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, vùng Phú Thọ không phải là địa bàn có dị thường về phóng xạ nhân tạo, phần đóng góp của các đồng vị phóng xạ nhân tạo vào nhiễm bẩn phóng xạ môi trường tại địa bàn không quá 1%. Như vậy, chỉ cần tiếp cận với các chất phóng xạ tự nhiên.

Các đồng vị phóng xạ tự nhiên vốn tồn tại trên quả đất hàng tỷ năm nay, từ khi nó hình thành. Những đồng vị này phát ra những tia phóng xạ anpha, beta và gamma, trong đó tác động lên con người đáng kể nhất là các tia gâm. Ngoài ra, còn có thể xem các tia vũ trụ có nguồn gốc từ ngoài hành tinh chúng ta như là phóng xạ tự nhiên.

Các tia phóng xạ đó tạo nên liều chiếu xạ có hại đối với cơ thể con người. Mức độ tác hại đối với cơ thể phụ thuộc vào độ lớn của liều chiếu bức xạ có đơn vị đo là Siver/giờ (Sv/h). Liều chiếu này, có sự tham gia của các loại bức xạ khác nhau, được thể hiện ở hình 1.


Trên “chiếc bánh” phân chia phóng xạ 1, hai đối tượng phóng xạ đóng vai trò lớn nhất.

Một là, khí phóng xạ Radon. Khi con người hít thở vào phổi, các hạt nhân phóng xạ khí Radon sẽ phát ra các loại bức xạ anpha, beta và cả gamma bắn phá các tế bào từ bên trong cơ thể. Nhóm đối tượng này ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khoẻ con người và đóng góp đến một nửa liều chiếu tổng cộng.

Hai là, các đồng vị phóng xạ nằm ở lớp đất đá trên mặt đất. Các hạt nhân phóng xạ trên lớp mặt liên tục phát ra các bức xa và tác động đến cơ thể từ bên ngoài và đóng góp đến 20% liều chiếu.

Liều chiếu trong: Khí độc hại Radon

Nhằm áp dụng phương pháp so sánh đối chiếu, nhóm nghiên cứu đã chọn lựa hai loại địa bàn điều tra, khảo sát và thu thập số liệu sau đây:

Địa bàn đặt nghi vấn chứa hàm lượng cao chất phóng xạ, hay có liều chiếu xạ cao. Đó là khu vực các nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, Pin - Ăc qui nằm trên địa bàn Thạch Sơn…và khu vực dân cư kế cận thuộc hai xã Thạch Sơn và Chu Hóa (thuộc huyện Lâm Thao, Phú Thọ).

Địa bàn đối chứng là xã Lương Lỗ (thuộc huyện Thanh Ba, Phú Thọ), nằm cách xa các nhà máy nói trên hơn 20 km, nằm phía bên kia sông Hồng.

Trước hết, sự so sánh đã được tiến hành đối với khí phóng xạ Radon. Các phương pháp ghi đo phóng xạ thích hợp nhất đã được sử dụng. Chẳng hạn, nồng độ Radon trong nhà đã được đo bằng phương pháp tích luỹ với các đêtectơ vết đặt ở một vị trí cố định trong nhà ở từ 3 đến 6 tháng. Nồng độ Radon được xác định từ số vết lưu lại trong đêtectơ. Còn nồng độ Radon trong không khí ngoài trời được đo bằng máy đo anpha (gọi là máy Alpha Guard).

Độ lớn của nồng độ khí Radon được chỉ bằng đơn vị là Berquerel trong một mét khối, hay Bq/m3. Từ nồng độ có thể tính ra liều chiếu xạ tính bằng đơn vị Silver/thời gian, chẳng hạn Sv/năm hay microSv/giờ v.v...

Việc khảo sát đo đạc đã tiến hành ở 35 vị trí khác nhau trong hai địa bàn: Địa bàn “nghi vấn, gồm khu vực nhà máy (8 vị trí) và khu vực dân cư (19 vị trí) xung quanh; thuộc các xã Chu Hoá và Thạch Sơn. Địa bàn đối chứng - xã Lương Lỗ.

Kết quả thu được ghi trong bảng số 1 với giá trị trung bình nồng độ Radon (số Bq/m3) và sai số (hay độ lệch chuẩn STDV) cho mỗi khu vực.

Bảng 1- Nồng độ Radon trong không khí
Số TT Khu vực khảo sát (số vị trí đo) Nồng độ Rn / STDV (Bq/m3)
Địa bàn “nghi vấn” - Khu các nhà máy (8)
- Xã Chu Hóa: (9)
- Xã Thạch Sơn : (10)
            9.5              5.5
           11,0            10,5
           14,7             9,0
Địa bàn đối chứng - Xã Lương Lỗ: (8)             11,1            3,3

Có thể nhận xét về kết quả khảo sát đưa ra trong bảng số như sau: Nồng độ Rn trung bình trong các khu vực thuộc hai địa bàn - “nghi vấn” và đối chứng - đều gần nhau, sự chênh lệch không đáng kể trong vòng sai số của phép đo.

Với kết quả khảo sát này, ảnh hưởng phóng xạ gây nên bởi liều chiếu trong gây ra bởi khí Radon trong vùng “làng ung thư”, rõ ràng, chỉ tương tự vùng đối chứng Lương Lỗ nằm cách xa các nhà máy hoá chất.

Ngoài ra, đối chiếu với tiêu chuẩn an toàn bức xạ thì nồng độ Radon đo được ở tất cả các địa bàn khảo sát đều thấp. Ở cả ba địa bàn khảo sát (xem bảng 1) nồng độ Radon đo được đều nằm trong hai con số, trong lúc theo tiêu chuẩn an toàn bức xạ quốc tế, chỉ với những địa điểm có nồng độ Radon cao hơn 1000 Bq/m3 thì mới bị khuyến cáo phải quan tâm hạ thấp xuống.

Liều chiếu ngoài: Gamma trên mặt đất

Cũng ở hai địa bàn so sánh đã chọn, Liều hấp thụ gamma ở khoảng cách xác định 1m tính từ mặt đất đã được khảo sát chính ở các địa bàn “nghi ngờ” và đối chiếu đối cho mục tiêu Radon. Thiết bị được dùng là máy đo liều xách tay chuyên dụng đáng tin cậy Serveymeter TCS 171 (hãng ALOKA). Máy được chuẩn bởi phòng chuẩn liều bức xạ cấp hai (SSDL) đặt ở Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân.

Liều hấp thụ gamma hiệu dụng đã được tiến hành khảo sát ở 244 điểm thuộc 3 khu vực: *Khu vực các nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, Pin - Ăc qui …với 61 vị trí. (Khu vực dân cư xung quanh các nhà máy với 61 vị trí đo ở xã Thạch Sơn và 60 vị trí ở xã Chu Hoá., Khu vực đối chứng, xã Lương Lỗ có 62 vị trí đo)

Số liệu thu thập được đã được tổng hợp và trình bày dưới dạng bản đồ kỹ thuật số và giản đồ. Các kết quả đo suất liều hấp thụ hiệu dụng được biểu diễn trên các bản đồ (hình 2a và hình 2b). Các vị trí khảo sát là các hình tròn, độ đậm nhạt trên hình thể hiện mức suất liều cao thấp.


Hình 2.1- Bản đồ số phân bố suất liều xã Thạch Sơn - Chu Hoá.


Hình 2.2- Bản đồ số phân bố suất liều xã Lương Lỗ.

Từ kết quả thu được có thể đánh giá: i/ Theo độ đậm nhạt trên hai bản đồ, giá trị suất liều nằm trong khoảng 0,05 đến 0,156 micro Sv/h. ii/ Cũng từ độ đậm nhạt còn có thể thấy rằng suất liều ở hai địa bàn khảo sát (“nghi ngờ” và đối chứng) không có sự chênh lệch đáng kể, và đều nằm trong mức bình thường như nhiều môi trường phóng xạ bình thường khác.

Để có sự đánh giá định lượng hơn về liều hấp thụ gamma chiếu ngoài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích trên giản đồ. Nhóm nghiên cứu đã tính ra giá trị trung bình về suất liều chiếu gamma dao động xung quanh giá trị 0.1 microSv/h, và giá trị cao nhất cũng không vượt quá 0,16 microSv, ngay cả trong vùng các nhà máy được giả thiết là nơi phát tán chất độc hại phóng xạ ra các khu vực dân cư làng ung thư Thạch Sơn. Đồng thời tính ra liều gamma chiếu ngoài hàng năm đối với mỗi người dân sống trong vùng Thạch Sơn, Chu Hóa và Lương Lỗ. Đó là: 0.904 miliSv/năm.

Đối chiếu với chuẩn an toàn quôc tế và Việt Nam, giá trị liều hấp thụ gamma thu được là thấp và tương đương mức trung bình của nhiều nước trên thế giới. Nói cách khác, môi trường phóng xạ ở vùng dân cư Thanh Sơn, Chu Hoá là thực sự bình thường.

Kết luận: Những con số biết nói

Như vậy, môi trường phóng xạ ở khu vực các nhà máy và dân cư “làng ung thư" Thạch Sơn (địa bàn nghi vấn) và khu vực cách xa (địa bàn đối chứng), đặc biệt là hai phép đo tiêu biểu (nồng độ Radon gây ra liều chiếu trong và giá trị liều gamma chiếu ngoài), đã được khảo sát bằng các phương pháp và thiết bị tiên tiến.

Hai hướng tiếp cận, liều chiếu ngoài và liều chiếu trong, cho kết quả phù hợp nhau và bổ sung nhau, chứng tỏ môi trường phóng xạ là bình thường trong khu vực sản xuất và môi trường dân cư có các nhà máy Supe Phốt phát, nhà máy Pin Ắc-quy ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ.

Với các kết quả đó, rõ ràng, chưa có căn cứ khoa học để quy yếu tố phóng xạ là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng được gọi là “làng ung thư Thạch Sơn”, nếu hiện tượng đó thực tế tồn tại.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất