Phóng xạ tự nhiên ở nhiều tỉnh VN vượt ngưỡng
Nhiều điểm tại một số tỉnh phía Bắc như phía Bắc tỉnh Lai Châu, phía Nam thị xã Sơn La, Lào Cai – Than Uyên, Bảo Thắng – Mường La… có cường độ chiếu xạ tự nhiên vượt mức cho phép.
Các nơi nói trên có cường độ chiếu xạ tự nhiên trên 2mSv/năm, thậm chí có nơi bị chiếu từ 5-7mSv/năm. Thông tin trên vừa được TS Đào Văn Thịnh, Viện Địa chất và Môi trường, Tổng hội Địa chất Việt Nam, công bố tại một hội thảo hồi gần đây.
Do tai biến địa chất
Theo TS Thịnh, Bộ Công nghiệp năm 2002-2005 đã tiến hành điều tra tai biến địa chất vùng Tây Bắc cho thấy các tỉnh: Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lài Cai và Lai Châu có nhiều tai biến địa chất rất phức tạp. Đáng chú ý là các tai biến địa chất do trường bức xạ phóng xạ tự nhiên nhiều khu vực ở mức nguy hiểm. Cụ thể, các khu vực có cường độ chiếu xạ trên 2mSv/năm như phía Bắc tỉnh Lai Châu và Đông Bắc thành phố Điện Biên Phủ, phía Nam thị sã Sơn La, dải Mường Tè - Điện Biên…
Các nhà khoa học thuộc Viện Địa chất và Môi trường đánh giá với mức độ chiếu xạ trên 2mSv/năm tại các điểm trên là ở mức nguy hiểm cấp II.
Chiếu tia X tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội (Ảnh: Bích Ngọc).
Khu vực được xem là nguy hiểm cấp I kéo dài từ biên giới Việt –Trung qua Nậm Xe – Tam Đường tới Đông Pao. Dải dị thường phóng xạ tự nhiên có liều chiếu xạ phổ biến ở phông 0,7mSv/năm. Các điểm có liều chiếu xạ cao trên 5mSv/năm chủ yếu tập trung ở các vùng Phong Thổ, Lào Cai – Than Uyên, Bảo Thắng – Mường La.
Nguyên nhân của việc cường độ phóng xạ tự nhiên tại các điểm này ở mức cao hơn bình thường được các nhà khoa học giải thích là do liên quan đến các đá granit và trầm tích phun trào. Có những khu vực do tập trung quá nhiều Urani và Thori.
Theo ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam là nước có đới trầm tích cổ nên sẽ có rất nhiều vùng dị thường phóng xạ. Điều này đồng nghĩa với việc một số khu vực trên cả nước sẽ xuất hiện hiện tượng dị thường phóng xạ.
Không phát hiện các bệnh bất thường
Theo ông Phạm Minh Đức, phòng Quản lý công nghệ và an toàn bức xạ hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, các kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẳng định sơ bộ con người sống quanh khu vực có cường độ chiếu xạ tự nhiên như ở Lào Cai, Lai Châu và Hà Tĩnh… chưa phát hiện bệnh đặc biệt.
Cán bộ kỹ thuật Cục An toàn và bức xạ hạt nhân đo nồng độ phóng xạ ngoài môi trường trong một đợt thanh tra (Ảnh: Bích Ngọc).
Tuy nhiên, trên lý thuyết, để đánh giá việc người dân sống trong khu vực có cường độ chiếu xạ tự nhiên cao như đã nêu trên có nguy hiểm hay không thì rất phức tạp bởi phải dựa vào nhiều yếu tố đầu vào. Đặc biệt, cần kiểm tra việc nhiễm xạ thông qua kiểm tra công thức máu người để so sánh với thời điểm trước đó.
Theo khuyến cáo của Ủy ban quốc tế về an toàn bức xạ (Intemational Commission on Radiological Protection – ICRP), đối với công nhân, mức liều không nên vượt quá 50 mSv/năm và liều trung bình cho 5 năm không được vượt quá 20mSv/năm. Nếu một phụ nữ mang thai làm việc trong điều kiện bức xạ, thì giới hạn liều nghiêm ngặt hơn cần được áp dụng là 2 mSv/năm.
“Như vậy, với các khu vực đo được cường độ phóng xạ từ 5-7mSv/năm vẫn là quá nhỏ - tương đương 0.8microSv/h”, ông Đức nói.
Trước đó năm 2009, Cục an toàn bức xạ và hạt nhân đã tiến hành khảo sát đo liệu bức xạ gamma, đo nồng độ khí phóng xạ, lấy mẫu đất, nước và thóc tại khu vực được đánh giá là có phông phóng xạ tự nhiên cao nhất tại Nậm Xe (Lai Châu). Tại đây có vùng được đánh giá là có phông phóng xạ cao nhất là bản Màu (Nậm Xe) - trên 10 mSv/năm. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, các thông số cho thấy vẫn dưới mức khuyến cáo cần can thiệp.