Phương pháp mới biến đổi ánh nắng mặt trời thành nhiên liệu
Các nhà khoa học đã phát minh ra một phương pháp mới chuyển đổi ánh nắng mặt trời thành nhiên liệu nhờ biến đổi quá trình quang hợp ở thực vật.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Cambridge đã phát minh ra kĩ thuật liên quan đến tách nước thành khí oxy và khí hydro ở thực vật.
Khí hydro được sản sinh ra có thể trở thành một nguồn năng lượng tái tạo xanh và vô hạn. (Ảnh minh họa).
Theo các nhà nghiên cứu, khí hydro được sản sinh ra có thể trở thành một nguồn năng lượng tái tạo xanh và vô hạn.
Đội nghiên cứu đã sử dụng ánh nắng tự nhiên để chuyển đổi nước thành khí hydro và khí oxy nhờ sử dụng một hỗn hợp các thành phần sinh học và các công nghệ nhân tạo.
Katarzyna Sokó, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết: “Quang hợp tự nhiên không hiệu quả vì nó chỉ tiến hóa để sinh tồn nên nó chỉ tạo ra lượng năng lượng cần thiết tối thiểu – khoảng 1-2% khối lượng nó có thể biến đổi và dự trữ”.
Trong khi quang hợp nhân tạo đã có từ lâu, các kĩ thuật trước đây phụ thuộc vào các chất xúc tác – thường rất đắt đỏ và độc hại. Khác với những kĩ thuật này, kĩ thuật mới sử dụng một enzyme có tên hydrogenase, không độc hại.
Đội nghiên cứu sử dụng ánh nắng tự nhiên để chuyển đổi nước thành khí hydro và khí oxy - (Ảnh từ Katarzyna Sokó).
Bà Sokó giải thích: “Hydrogenase là một enzyme có trong tảo, có khả năng biến đổi các proton thành khí hydro. Trong quá trình tiến hóa, quá trình này đã bị vô hiệu hóa vì nó không cần thiết cho sự sinh tồn, nhưng chúng tôi đã thành công bỏ qua trạng thái không hoạt động để đạt được phản ứng như mong đợi – tách nước thành khí hydro và khí oxy”.
Các nhà nghiên cứu đang hi vọng rằng kĩ thuật của họ có thể được sử dụng trên phạm vi lớn hơn để biến ánh nắng mặt trời thành nhiên liệu.
Bà Sokó bổ sung: “Thật vui khi chúng tôi có thể lựa chọn có chọn lọc những quá trình chúng tôi muốn, và đạt được phản ứng mong đợi không thể đạt được trong tự nhiên. Đây có thể là một cơ sở tuyệt vời để phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời. Phương pháp này có thể được sử dụng để kết hợp các phản ứng khác với nhau để xem có thể làm được gì, học hỏi từ những phản ứng này và sau đó tạo ra những công nghệ năng lượng mặt trời tổng hợp, thiết thực hơn”.