Phương pháp mới chữa bệnh buồn ngủ châu Phi
Tạp chí Tự nhiên của Anh số ra ngày 1/4 cho biết, các nhà khoa học Canada và Anh vừa tìm ra phương pháp mới chữa bệnh ngủ châu Phi (hay thường gọi là bệnh buồn ngủ châu Phi).
Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng giúp giới khoa học nghiên cứu điều chế các loại thuốc mới an toàn và hiệu quả.
Căn bệnh này đe dọa đến hàng triệu người ở 36 quốc gia Châu Phi, dự tính mỗi năm số người mắc bệnh tăng lên từ 50.000 đến 70.000 người.
Nhà khoa học Paul Wyatt trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Dundee (Anh) cho biết, ông và các đồng nghiệp đã phát hiện một loại hợp chất có thể phá hoại enzyme N-acyltransferase (NMT).
Enzyme N-acyltransferase có ý nghĩa quan trọng đối với sự sống và sinh trưởng của ký sinh trùng trypanosoma.
Nghiên cứu cho thấy, thuốc ức chế enzyme N-acyltransferase có thể tiêu diệt nhanh chóng bệnh buồn ngủ châu Phi.
Bằng biện pháp thí nghiệm trên chuột các nhà khoa học đã chữa trị thành công loại bệnh này. Tuy nhiên cần phải mất khoảng 18 tháng nữa các nhà khoa học mới có thể nghiên cứu điều chế thuốc uống ứng dụng lâm sàng trên người.
Nhà khoa học Paul Wyatt cho biết thêm, vừa qua một số công ty sản xuất dược phẩm như GlaxoSmithKline, Merck và Pfizer đã tuyên bố sẽ đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu chế tạo thuốc điều trị bệnh buồn ngủ châu Phi.
Động thái này mang lại hy vọng giúp cải thiện tình trạng bệnh tật hiện nay./.