"Pin nước" rẻ hơn, có thể tái chế và không phát nổ

Bằng cách thay thế các chất điện phân hóa học nguy hiểm được sử dụng trong pin thông thường bằng nước, các nhà khoa học tạo ra loại "pin nước" có thể tái chế.


Nguyên mẫu pin kim loại - ion nước - (Ảnh: RMIT University).

Tên chính thức của "pin nước" pin kim loại - ion nước. Loại pin này sử dụng kim loại như magiê hoặc kẽm, rẻ hơn và ít độc hại hơn so với các vật liệu hiện đang được sử dụng trong các loại pin khác. 

Trong pin nước, chất điện ly là nước thêm một ít muối thay vì axit sulfuric hay muối lithium.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã tìm ra cách ngăn chặn hiện tượng đoản mạch của pin nước - xảy ra khi trong pin xuất hiện các sợi kim loại gọi là dendrite, bằng cách bọc cực âm của pin bằng kim loại bismuth để ngăn chặn sự hình thành dendrite.

Các thí nghiệm của nhóm nghiên cứu cho thấy phương pháp này cũng giúp pin nước nguyên mẫu hoạt động lâu hơn, duy trì hơn 85% công suất sau 500 chu kỳ sạc. 

Theo trang ScienceAlert ngày 5-3, cho đến nay nhóm đã phát triển các nguyên mẫu pin nước của các pin cỡ đồng xu dùng trong đồng hồ cũng như pin hình trụ tương tự pin AA hoặc AAA.

Trưởng nhóm nghiên cứu Tianyi Ma, nhà khoa học thuộc ĐH RMIT tại Melbourne (Úc), cho biết dù công nghệ mới khó có thể sớm thay thế pin lithium-ion nhưng với sự nghiên cứu và phát triển hơn nữa, pin nước có thể trở thành giải pháp thay thế an toàn trong vòng một thập kỷ hoặc hơn.

Pin lithium-ion, có mặt trong mọi món đồ điện tử từ laptop cho đến điện thoại hay xe máy và xe đạp điện, có thể bị nóng quá và bốc cháy trong một số trường hợp.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất