Quả bom hẹn giờ của khí hậu
Nếu tầng đất đóng băng tan chảy hoàn toàn do biến đổi khí hậu, hàng nghìn tỷ tấn carbon sẽ được giải phóng vào không khí khiến nhiệt độ trái đất tăng nhanh hơn nhiều so với hiện tại.
Tầng đất đóng băng bao phủ xấp xỉ 20-25% bề mặt đất liền ở bán cầu bắc. Theo tính toán của giới khoa học, đất đóng băng vĩnh cửu chứa tới 1.600 tỷ tấn carbon (chủ yếu ở dạng chất hữu cơ). Trong khi đó, khí quyển trái đất chỉ chứa khoảng 825 tỷ tấn carbon dioxide (CO2).
“Từ trước tới nay tầng đất đóng băng vĩnh cửu được coi là nơi chôn vùi carbon. Carbon trong đó không thể tham gia vào chu trình biến đổi carbon trong tự nhiên. Tuy nhiên, tình trạng ấm lên toàn cầu có thể khiến Bắc Cực trở thành nguồn cung cấp carbon bằng cách đẩy nhanh tốc độ tan chảy ở tầng đất đóng băng vĩnh cửu. Nhờ vậy carbon bị nhốt trong đó sẽ thoát ra ngoài và tham gia chu trình biến đổi carbon trong tự nhiên”, Andrew Jacobson, một nhà khoa học của Đại học Northwestern (Mỹ), phát biểu.
Theo Jacobson, điều đáng lo ngại nhất là carbon trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu sẽ biến thành carbon dioxide (nhờ quá trình oxy hóa) khi tốc độ tan chảy tăng. Hiện tượng này rất có lợi cho hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh hơn. Nếu hiệu ứng nhà kính tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, tầng đất đóng băng vĩnh cửu sẽ tan chảy vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhiều nhà khoa học gọi đó là "bom hẹn giờ của biến đổi khí hậu".