Quá trình vỡ nát của tiểu hành tinh lao vào khí quyển Trái Đất

Tiểu hành tinh bay với tốc độ 20km/s qua khí quyển sẽ bốc cháy tạo ra sóng xung kích và nhiệt độ lớn phá hủy nhà cửa, con người.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng siêu máy tính Pleiades để mô phỏng khoảnh khắc một tiểu hành tinh bị đốt cháy khi tiếp xúc với khí quyển Trái Đất, Gizmodo hôm 29/6 đưa tin. Tiểu hành tinh này có kích thước tương đương với tiểu hành tinh phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga, làm hư hại khoảng 3.000 ngôi nhà và khiến hơn 1.200 người bị thương vào năm 2013.


Hình ảnh mô phỏng tiểu hành tinh lao vào Trái đất.

Đây là chương trình nghiên cứu nằm trong Dự án Đánh giá mối đe dọa Tiểu hành tinh (ATAP) của NASA giúp các nhà khoa học ước tính mức độ thiệt hại gây ra bởi tiểu hành tinh khi nó xâm nhập vào bầu khí quyển, đồng thời lên kế hoạch cho các chiến dịch giảm thiểu thiệt hại từ tiểu hành tinh.

Hình ảnh mô phỏng 3D cho thấy mặt cắt ngang của một tiểu hành tinh rộng 20m đang lao vào bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ 20km/s. Vùng màu xám và màu đen đại diện cho bề mặt đá của tiểu hành tinh, trong khi phần màu đỏ và da cam là sóng xung kích và nhiệt độ cao xung quanh.

Do tiểu hành tinh thường có hình dạng không đối xứng nên sự mất ổn định khí động học khiến nó bị vỡ ra thành từng mảnh. Quá trình này đi kèm với một lượng lớn năng lượng giải phóng vào bầu khí quyển.


Tiểu hành tinh bốc cháy khi lao vào bầu khí quyển của Trái Đất. (Video: NASA).

Sóng xung kích hình thành khi tiểu hành tinh phát nổ trong không khí, hoặc rơi xuống đất liền và biển. Nó gây ra nhiều thiệt hại và thương tích cho con người, chẳng hạn như phá vỡ các cơ quan nội tạng. Nếu tiểu hành tinh đủ lớn để chạm tới bề mặt Trái Đất, nó tạo ra những quả cầu lửa đốt cháy các tòa nhà. Nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt bất kỳ ai đang đứng gần nơi xảy ra va chạm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất