Quân nhân Mỹ mất tứ chi được ghép hai cánh tay

Một người lính Mỹ đã mất cả tứ chi trong một vụ đánh bom ở Iraq hồi năm 2009 đã được ghép hai tay thành công. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 29/1, Brendan Marrocco, tên của cựu quân nhân, nói rằng anh cảm thấy như đã tìm lại được chính mình sau ca phẫu thuật hiếm có này.

Brendan Marrocco vốn là lính bộ binh, đã trở thành quân nhân đầu tiên sống sót dù mất hết chân tay trong cuộc chiến tranh Iraq. Anh đã trải qua một cuộc phẫu thuật phức tạp kéo dài 13 giờ đồng hồ cách nay 6 tuần.

Anh là một trong bảy người ở Mỹ đã được ghép cả hai tay và các bác sĩ cảnh báo anh sẽ còn phải đi cả chặng đường dài nữa trước khi chắc chắn về việc cơ thể mình có đào thải phần tay ghép thêm hay không.

"Hiện tôi chưa thực sự cảm thấy hoặc cử động được đôi tay mình. Nhưng rồi tôi sẽ làm được" - Marrocco nói trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ sau phẫu thuật.

Với cả hai tay và bàn tay được băng và nẹp nạng kín, Marrocco nói rằng đôi tay sẽ thay đổi cuộc đời anh.


Brendan Marrocco nói anh như được hồi sinh sau khi ghép tay. (Nguồn: CBS)

"Tôi căm ghét việc không có tay. Không có tay tước đi rất nhiều thứ từ bạn" - Marrocco nói, cho biết việc mất chân không tạo cảm giác chán nản như mất tay - "Bạn nói chuyện bằng tay, làm rất nhiều việc cùng đôi tay. Khi bạn không còn đôi tay, bạn sẽ cảm thấy như lạc lối trong một thời gian".

Anh cho biết đôi tay mới khiến bản thân như "đi ngược thời gian 4 năm", tới thời điểm trước khi xảy ra vụ tấn công bằng bom vệ đường khiến anh bị thương nặng.

Một trong các bác sĩ của Marrocco là Jaimie Shores, giám đốc điều trị chương trình ghép tay Bệnh viện Johns Hopkins, nói rằng Marrocco sẽ dành tiếp từ 2-3 năm nữa để thực hiện các bài tập về tay, 6 giờ một ngày và ngày nào cũng tập.

"Brendan hiện đã có một công việc toàn thời gian" - Shores nói, cảnh báo rằng tiến trình sẽ "mất rất nhiều nỗ lực" khi các dây thần kinh của Marrocco phục hồi và dạy cơ thể của anh sử dụng phần tay mới.

Nhưng ông cho biết Marrocco được chọn để ghép tay một phần vì đội y bác sĩ tin rằng anh sẵn sàng đối đầu với thách thức.

"Anh ấy là một thanh niên tràn đầy hy vọng và anh ấy rất cứng đầu. Cứng đầu theo một hướng tích cực. Không có gì là giới hạn với anh ấy" - Shores nói.

Shores cho biết một bệnh nhân đã được ghép hai tay tính từ phần khuỷu trở xuống giờ đã có thể ăn bằng đũa và gõ máy tính sau 3 năm rèn luyện. Marrocco cho biết anh đã hy vọng mình có thể trở lại lái xe. Anh có một chiếc xe Dodge màu đen mà bản thân chưa từng chạy đang chờ anh.

Ngoài ra anh cũng hy vọng sẽ trở lại chơi thể thao, như môn đua xe lăn. "Một trong các mục tiêu của tôi là tham gia đua xe lăn trong một cuộc thi marathon" - anh nói.

Ngoài ca phẫu thuật phức tạp liên quan tới việc kết nối các phần xương, mạch máu, cơ, bắp thịt, gân, dây thần kinh và da ở cả hai tay, Marrocco hiện đang trải qua quá trình điều trị nhằm ngăn chặn việc đào thải tay mới.

Hoạt động này gồm việc trích phần tế bào tủy xương đã chết của người hiến tay, cho tới nay đã thành công trong ngăn chặn hoạt động đào thải đôi tay mới và giảm bớt nhu cầu sử dụng thuốc chống đào thải, vốn có thể gây nhiễm trùng hoặc hư hại nội tạng.

Đây là lần đầu tiên người ta ghép cả hai tay thành công tại bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore. Ca ghép hai tay đầu tiên trên thế giới là vào năm 2008, ở Đức.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất