Quay được cảnh cây cối “trò chuyện”
Các nhà khoa học của Đại học Exeter (Anh) tuyên bố đã quay được cảnh cây cối “trò chuyện” với nhau.
Như vậy, nghi ngờ lâu nay của một số chuyên gia đã được xác nhận. Thực vật cũng có thể trao đổi những thông tin khi cần thiết.
Thí nghiệm trên cải bắp cho thấy cây cối cũng hay "trò chuyện" - (Ảnh: AFP)
Đây cũng là lần đầu tiên giới chuyên gia nắm được chứng cứ về khả năng "trò chuyện" của thực vật, sau khi nhóm của giáo sư Nick Smirnoff quay được cảnh quá trình đó diễn ra.
Để tìm hiểu cây cối "nói chuyện" với nhau bằng cách nào, các nhà nghiên cứu đã chỉnh sửa gien của một cây cải bắp, khiến nó thải ra một loại khí khi bề mặt của cây bị cắt hoặc đục lỗ.
Bằng việc thêm vào protein luciferase, vốn giúp đom đóm phát ra ánh sáng, vào bộ gene của cây cải bắp, quá trình thải khí có thể được ghi nhận bằng camera.
Khi một cây cải bắp bị cắt lá, khí methyl jasmonate xuất hiện từ thân cây cải, “báo động” cho cây hàng xóm biết về nguy cơ có thể đang rình rập phía trước.
Sau khi nhận thông điệp "báo động", hai cây cải bắp kế bên cây bị cắt lá, dù chưa bị chạm vào, lập tức phản ứng bằng cách sản sinh ra hóa chất độc hại trên lá để xua đuổi những kẻ xâm nhập, chẳng hạn như sâu bướm, theo báo Daily Mail.
Từ đó, các chuyên gia Anh đưa ra giả thuyết rằng các loài thực vật đều có thể “trò chuyện” với nhau theo cách vô hình mà chúng ta chưa biết được.