Quét CT để tìm giới tính của xác ướp
Nhận dạng, nguyên nhân gây ra cái chết và kiểu chôn cất độc nhất vô nhị của những xác ướp vẫn luôn là một bí ẩn qua hàng thế kỷ. Một vài nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia mới đây đã tiến hành “mổ xẻ” cơ thể dưới lớp vải dày của hai xác ướp Ai Cập.
Những bức ảnh ghi lại quá trình các nhà khoa học sử dụng công nghệ y học hiện đại, cho thấy những chi tiết rất nhỏ về các đặc điểm nhận diện hai cơ thể này và việc họ được bảo quản như thế nào sau 2.000 năm.
Bức ảnh được chụp tại Bệnh viện ĐH North Shore, Manhasset, New York, Mỹ ghi lại hình ảnh xác ướp của một vị hoàng tử, khi đi qua máy quét CT. Đây là một trong bốn xác ướp thuộc về Bảo tàng Brooklyn, New York, có độ tuổi từ 1.700 đến 3.000 năm, số liệu có được nhờ sử dụng công nghệ trên.
Trong khi đó, bức ảnh máy quét tương tự từ một phòng khám chuyên khoa ở trung tâm Sydney đã giải quyết được thắc mắc về việc nhận dạng một xác ướp thuộc sở hữu của Bảo tàng Nicholson, Sydney, đã khiến các nhà khảo cổ học “đau đầu” trong suốt 150 năm qua.
Xác ướp này ban đầu được cho là phần còn lại của một cô gái nhưng những bức ảnh của máy scan CT mới đây lại khẳng định đây là cơ thể của một nam giới. Và một mẩu giấy cói giấu trong đó tiết lộ anh ta được gọi là Horus.
Michael Turner, người quản lý của Bảo tàng Nicholson, cho biết: “Những bức ảnh này thật đáng kinh ngạc. Chúng tôi đã khám phá được nhiều điều hơn 150 năm trước. Horus 100% là nam giới và mảnh giấy viết tên của anh ta tuy đã được khám phá từ một vài năm trước nhưng vẫn có sự nhầm lẫn về giới tính. Chúng tôi vẫn chưa thể nói được anh ta chết như thế nào nhưng với công nghệ hiện đại điều đó có thể được khám phá trong một vài năm tới”.
Bác sĩ Margaret Stewart và đội của bà tại trung tâm chuyên khoa Sydney, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng công nghệ chụp bằng máy quét đối với một xác ướp. Tôi rất ấn tượng với trạng thái gần như nguyên vẹn của cách bảo quản xác này. Các phần xương gần như ở trạng thái y nguyên như lúc họ qua đời. Thậm chí còn có thể nhìn thấy phần xương nhỏ xíu ở tai giữa, là phần xương nhỏ nhất trong cơ thể con người. Tôi rất lấy làm khâm phục khả năng ướp xác của những người Ai Cập cổ, thậm chí đến bây giờ để làm được như vậy là một điều tương đối khó khăn”.
Theo Janet Davey, nhà nghiên cứu về Ai Cập: “Những bức ảnh này thật đáng kinh ngạc. Chúng giúp các nhà khoa học nghiên cứu về xác ướp mà không phải đụng vào hay thay đổi trạng thái. Horus là một ví dụ điển hình của tính hiệu quả của công nghệ này. Anh ta chắc chắn xuất thân từ một gia đình giàu có nên mới có thể sử dụng phương pháp ướp xác này khi chết. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều xác ướp được nghiên cứu theo phương pháp này.”
Theo nghiên cứu, xác ướp này xuất hiện từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên từ khu vực Thebes, một thành phố bên dòng sông Nile, khoảng hơn 800 km về phía Nam của Địa Trung Hải. Sau khi chết, xác của Horus được rửa sạch và lau với dầu thơm. Nội tạng bên trong của xác được đưa ra khỏi cơ thể, thay vào đó là muối để làm khô. Sau đó, phần xác được bọc chặt bằng vải.