Quốc gia duy nhất trên hành tinh không có tội phạm hình sự

Cộng hòa đại bình yên San Marino - theo tên gọi chính thức - là một trong những nhà nước nhỏ nhất thế giới, nằm lọt thỏm trong lòng Italia tương tự như vùng lãnh địa Vatican.

Điểm nổi bật của quốc gia nhỏ bé này là trong suốt hàng thập niên ròng, Cộng hòa San Marino luôn được Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đánh giá là nơi không hề có tội phạm hình sự - vốn là một vấn nạn bao trùm khắp hành tinh.

Theo huyền thoại, nhà nước San Marino tọa lạc trên núi Titano được một người thợ khắc đá tên là Marinus (275-366) sáng lập vào năm 301.

Còn lịch sử đã chứng minh rằng đây là quốc gia theo thể chế Cộng hòa lâu đời nhất ở châu Âu cũng như trên thế giới, bởi văn tự về chủ quyền của vùng đất hiểm trở này đã có từ năm 1263.

Nền độc lập của San Marino cũng được Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte quyền uy thừa nhận, được tái khẳng định trong Hội nghị Vienna năm 1815 phân định đường ranh giới các quốc gia trên lục địa cũ.

Đỉnh núi 3 ngọn Titano huyền thoại so với mặt nước biển Adriatic gần đó, chỉ “chênh” nhau có 750m.


Pháo đài trên đỉnh Titano ở San Marino.

Cái cảm giác “an toàn và không thể đụng đến” luôn được duy trì quanh đây, bất chấp đoạn xa lộ nhộn nhịp dài 22km, nối San Marino với khu nghỉ mát nổi tiếng Rimini (phía bắc Italia) bên dưới.

Cảm giác “chắc chắn” của địa danh hiểm trở Titano hiển nhiên đã lôi cuốn anh chàng Marinus người Slavs, một thợ đẽo đá từ vùng Dalmatia (nay thuộc Croatia) đã tìm sự ẩn náu nơi đây hơn 17 thế kỷ trước.

Marinus từng làm việc tại công trường xây dựng bến cảng Rimini, rồi trở thành một trong những nạn nhân từ những cuộc theo dõi của giới giám mục thuộc Hoàng đế Diocletianus (244-311) hà khắc - trong thời kỳ suy tàn của Đế chế La Mã.

Vị “tu sĩ ở ẩn” Marinus cũng bị nhiều thế lực cuồng tín khác săn đuổi… Và như vậy, San Marino (Thánh Marinus theo tiếng Italia) trở thành vị thủ lĩnh tại những khu dân cư đầu tiên ở chốn núi non heo hút này.


Địa hình San Marino khá cao.

Theo truyền thuyết thì lời di huấn của ông là: “Ta lưu giữ sự tự do cho các ngươi giữa những kẻ còn lại”.

Vị anh hùng dân tộc Italia bất hủ Giuseppe Garibaldi (1807-1882), cùng với đội quân khởi nghĩa tinh nhuệ lừng danh gồm 200 người của ông cũng tìm chỗ trú ẩn tại cái xứ Cộng hòa “chênh vênh” San Marino vào giữa thế kỷ XIX.

Còn ngay từ cuối thế kỷ XVIII, tinh thần tự do đáng tự hào của người dân xứ San Marino đã được đích thân Napoleon quyền uy đánh giá rất cao.

Vị Hoàng đế Pháp vốn nức tiếng bởi tính hiếu chiến còn ngỏ lời đề nghị giúp người San Marino “mở mang thêm bờ cõi”.

Nhưng cư dân bản địa xem ra lại là những người rất yêu tự do và biết nhìn xa trông rộng.

Họ cự tuyệt “lời đề nghị hấp dẫn” của Napoleon, và chính điều này đã bảo đảm chủ quyền độc lập toàn vẹn cho Cộng hòa San Marino tại Hội nghị “phân chia lại địa giới châu Âu”, được tổ chức ở Vienna (Áo) kéo dài từ tháng 9-1814 đến tháng 6-1815.

Một trong những nguyên tắc chính trị đầu tiên của xứ Cộng hòa lâu đời nhất thế giới là: “Cứ để chúng ta tự biết mình, còn những người khác đừng nên biết chúng ta!”.

Nhưng trong thời nay, hơn 32.000 dân San Marino sống ở trong nước (và cũng ngần ấy cư ngụ tại nước ngoài) vẫn thường treo những lá cờ đuôi nheo từ thời Trung cổ - biểu tượng của sự có chủ quyền - quanh các tụ điểm nên thơ như là một kỷ vật lưu truyền, đồng thời luôn mở rộng cửa các ngôi pháo đài kiên cố để tiếp đón những “người khác” - chủ yếu là giới du khách muôn phương: lên tới 4 triệu lượt người mỗi năm, từ khắp mọi nơi trên hành tinh đổ đến thăm viếng thủ đô cùng tên và các pháo đài - làng xã bao quanh San Marino.


Một góc San Marino.

Trải trên khoảng diện tích vỏn vẹn có 61,2km² - dọc theo các triền núi Titano, Cộng hòa San Marino có đồng tiền và phát hành tem bưu chính riêng, cũng như không ngừng mở rộng quan hệ với thế giới bên ngoài.

Du lịch là ngành quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế của nhà nước siêu mini này, nơi mà mức thu nhập tính theo đầu người hàng năm là 44.947 USD, luôn được xếp giữa các quốc gia kỹ nghệ phát triển và đã vượt xa nước láng giềng duy nhất Italia từ lâu rồi; tuy rằng những điều giống nhau giữa 2 quốc gia độc lập có chủ quyền kề cận này (ngôn ngữ, tập quán, phong tục văn hóa v.v…) nhiều hơn là các sự khác biệt.

Cả San Marino có 170 xí nghiệp vừa và nhỏ, cùng 650 cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Nạn thất nghiệp chưa bao giờ vượt quá con số 4%.

Riêng đường đua ô tô thể thao Công thức I vào mùa hè hàng năm, đã có tới 2,5 triệu khách du lịch tới đây cổ vũ và mục kích người đoạt “Grand Prix” (Giải thưởng Lớn) của Cộng hòa San Marino…

Đa phần dân chúng San Marino luôn lên tiếng phàn nàn về người hàng xóm Italia “hùng mạnh” - bao bọc nước Cộng hòa bé nhỏ khắp 4 phía xung quanh.


Du khách có thể mua sắm tại các cửa hiệu ở San Marino.


Con đường bằng đá leo lên đỉnh núi tại San Marino.


Phố cổ ở San Marino đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

San Marino có cơ quan đại diện ngoại giao thường trực ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ngay cả tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), cũng như tại các phái bộ trực thuộc LHQ ở Paris (Pháp) và Geneva (Thụy Sĩ).

Về giao thông, vào thời kỳ từ năm 1932-1944 có tuyến đường xe lửa dài 32km nối từ Rimini tới San Marino, nhưng đã bị tàn phá trong Thế chiến II và rồi người ta “chẳng thiết” khôi phục lại nữa.

Với đường hàng không cũng “chịu chung số phận”, chỉ có máy bay bưu điện chuyên dụng lui tới các sân bay quy mô nhỏ mà thôi, còn du khách thập phương bắt buộc phải quá cảnh Italia để tới San Marino bằng đường bộ.

Nhưng cho dù bạn chỉ thăm viếng San Marino một ngày thôi, bạn không thể không có cái ấn tượng rằng ở San Marino thường sạch hơn, ngăn nắp hơn, yên tĩnh hơn và nhất là giá cả sinh hoạt rẻ hơn nhiều so với các vùng miền khác thuộc Italia.

Một điều nữa cũng cần phải nói đến, rằng người đứng đầu Chính phủ San Marino hiện nay là luật sư Matteo Ciacci, 27 tuổi, được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận như là vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất thế giới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất