Rắn đuôi chuông bạch tạng hiếm gặp nấp dưới khe đá
Con rắn đuôi chuông gỗ có cơ thể màu trắng và đôi mắt hồng do mắc chứng bạch tạng nấp dưới khe đá ở Pennsylvania.
Con rắn đuôi chuông bạch tạng hầu như rất ít cử động. (Video: John McCombie)
John McCombie trông thấy con rắn bạch tạng khi đang theo dõi một cá thể rắn đuôi chuông gỗ trưởng thành vào chiều hôm 21/5 ở Pennsylvania. Dựa trên kích thước, nó chào đời năm ngoái trong thời gian từ cuối tháng 8 tới giữa tháng 9, vì vậy nhiều khả năng nó chưa tròn một tuổi, nhà tự nhiên học cho biết. Ông ước tính con vật dài 30 - 38 cm. Vì con rắn cuộn tròn suốt hơn một giờ và chuyển động rất ít, McCombie không thể đo chính xác kích thước của nó.
Màu hồng và trắng khác thường của con rắn là kết quả của đột biến gene làm giảm khả năng sản sinh melanin của cơ thể, sắc tố sinh học có ở da, vảy, mắt và lông. Không có sắc tố này, có thể thấy rõ mạch máu xuyên qua lớp da và vảy, dẫn tới màu hồng nhạt ở một số chỗ, đặc biệt là mắt. Điều đặc biệt nhất ở con rắn là con ngươi tròn và đôi mắt trông như lồi ra.
Rắn đuôi chuông gỗ sinh sống khắp miền đông nước Mỹ.
Chứng bạch tạng đặc biệt hiếm gặp trong tự nhiên và có thể khiến con vật dễ tổn thương hơn trước động vật ăn thịt. Ví dụ, một con rắn màu trắng toát dễ phát hiện hơn nhiều so với rắn màu nâu sẫm và đen. Tỷ lệ melanin thấp cũng gây ra vấn đề về mắt, làm giảm khả năng săn mồi của con vật.
Rắn đuôi chuông gỗ sinh sống khắp miền đông nước Mỹ, từ đông Kansas tới tây Virginia. Loài vật này thích nghi tốt với môi trường sống đa dạng, bao gồm rừng núi, đầm lầy và đồng bằng. Chúng có thể dài tới hơn hai mét, theo Vườn thú quốc gia Smithsonian. Để sống sót qua mùa đông khắc nghiệt, loài bò sát máu lạnh trốn trong hang dưới lòng đất vào thời gian lạnh nhất trong năm và chui ra vào đầu mùa xuân.
Theo McCombie, rắn hoạt động mạnh ở Pennsylvania trong năm nay do mùa xuân ấm đến sớm. Dù rắn đuôi chuông gỗ hiếm khi cắn người, chúng sở hữu nọc độc cực mạnh và nạn nhân bị cắn cần điều trị y tế khẩn cấp.
- Lần đầu chụp được "kẻ bố đời" bạch tạng ngoài đời thực
- Những loài vật bạch tạng kỳ lạ nhất
- Chiêm ngưỡng chuột túi bạch tạng hiếm thấy ở Úc