Rắn khổng lồ lặng lẽ 'xâm lược' nước Mỹ

9 loài rắn lạ đã xâm nhập vào nước Mỹ và chúng có thể tiêu diệt các loài động vật bản địa, Cục Địa chất Mỹ cảnh báo.

National Geographic cho biết, nhiều hộ dân ở bang Florida, Mỹ đang nuôi hai loài rắn ngoại lai, trong đó có trăn Miến Điện. Nhiều con đạt chiều dài tới hơn 6 m và khối lượng tới 90 kg. Một số tài liệu ghi nhận các trường hợp trăn có nguồn gốc từ Myanmar, Bắc Phi và Nam Phi giết chết người.

Tất cả 9 loài rắn lạ ở Mỹ đều thuộc nhóm động vật xâm lấn hoặc có khả năng xâm lấn. Điều này có nghĩa là chúng có thể sống sót và sinh sản ở nhiều khu vực khác nhau. Chúng đạt tới độ tuổi trưởng thành rất nhanh và đẻ nhiều con. 


Một nghiên cứu của Cục Địa chất Mỹ cho thấy 5 loài rắn khổng lồ có thể trở thành hiểm họa lớn đối với người và các hệ sinh thái. Chúng gồm trăn Miến Điện, trăn Nam Phi, trăn Bắc Phi, trăn khổng lồ Nam Mỹ và trăn khổng lồ da vàng. 4 loài còn lại - gồm trăn khổng lồ Deschauensee, trăn khổng lồ màu xanh lục, trăn khổng lồ Beni, trăn mắt lưới Đông Nam Á - được coi là hiểm họa ở mức trung bình.

Theo Cục Địa chất Mỹ, 9 loài rắn lạ tới từ nhiều quốc gia ở châu Á, Nam Mỹ và châu Phi dưới hình thức nhập khẩu. Số lượng của chúng tại Mỹ có thể dao động từ vài chục nghìn tới vài trăm nghìn cá thể. Một số loài chỉ sống ở bang Texas và Florida, song những loài khác có thể xâm lấn 1/3 diện tích Mỹ. Do khả năng ngụy trang của rắn nên con người rất khó nhận ra chúng.

"Nếu có 1.000 con rắn trong một khu vực thì bạn chỉ có cơ hội nhìn thấy một con", Bob Reed, một nhà khoa học của Cục Địa chất Mỹ, nói. 


Reed cho rằng phần lớn trăn khổng lồ trong thiên nhiên từng được nuôi trong nhà. Nhiều người nuôi rắn nghĩ rằng thả chúng vào thiên nhiên là việc tốt, nhưng hành vi ấy có thể gây nên hiểm họa cho các hệ sinh thái.

"Nếu căm ghét thiên nhiên thì bạn chỉ việc nuôi rắn rồi thả chúng vào môi trường hoang dã," Gordon Rodda, một chuyên gia về động vật của Cục Địa chất Mỹ, nhận xét.

Theo National Geographic, rắn lạ có thể gây nên những tác động khôn lường tới các hệ sinh thái. Chẳng hạn, sau Chiến tranh thế giới thứ hai loài rắn cây màu nâu được đưa lên đảo Guam, Mỹ. Chẳng bao lâu sau số lượng động vật hoang dã trên hòn đảo ở phía nam Thái Bình Dương giảm rất nhanh. Nhiều loài động vật có vú, chim, thằn lằn - những con vật mà rắn bắt để ăn thịt - lại đóng vai trò to lớn đối với hoạt động thụ phấn và phát tán hạt. Sự biến mất của chúng làm giảm số lượng thực vật trên đảo Guam.

Tình trạng tương tự cũng có thể xảy ra ở nhiều khu vực khác của Mỹ - nơi nhiều động vật nhỏ chưa biết cách đối phó với kiểu săn mồi của rắn.

"Những động vật bản địa của chúng ta chưa có kinh nghiệm phát hiện rắn khổng lồ và chiến thuật rình mồi của chúng", Reed nói.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất