Robot điều khiển con người

Con người chế tạo ra robot để làm mọi thứ, và rồi sẽ đến lúc robot còn có khả năng điều khiển chính chúng ta.

Sự tương tác giữa người và máy đã sang một chương mới với một thí nghiệm được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu Pháp tại Phòng thí nghiệm Tin học, Kỹ thuật Robot và Vi điện tử (Informatics, Robotics, and Microelectronics - LIRMM) của trường ĐH Montpellier. Trong thí nghiệm, robot dáng người HOAP-3 của Fujitsu đã điều khiển cánh tay của một người, thông qua các điện cực, để thả một quả bóng vào rổ do robot cầm.

Để làm điều này, các nhà nghiên cứu đã phân chia chức năng sinh lý học của cánh tay người thành những bộ phận cơ khí: khuỷu tay uốn xuống, cổ tay xoay, và bàn tay cầm nắm. Các điện cực được cấy trên cánh tay của người đó để robot có thể chuyển tín hiệu dùng sức (cơ bắp) của mình bằng cách sử dụng một kỹ thuật gọi là kích thích chức năng bằng xung điện (FES). Người được bịt mắt để không tự di chuyển cánh tay của mình.

Các cuộc thử nghiệm đã tiến hành thành công, nhưng các nhà nghiên cứu mới chỉ tạm hài lòng với kết quả ban đầu của họ. Nghiên cứu vẫn đang trong giai đoạn sơ khởi, robot còn phải di chuyển vòng rổ sau khi cánh tay của bệnh nhân phát tín hiệu đã ở vị trí hợp lý. Thêm một vấn đề nữa là các nhà khoa học chỉ có thể làm cho khuỷu tay của bệnh nhân di chuyển theo một hướng và trên một mặt phẳng, và cánh tay của họ phải được kê trước.

Mục tiêu của nghiên cứu là chế tạo ra một robot có thể giúp phục hồi và tập lại điều khiển cơ vận động cho các bệnh nhân bị bệnh bại liệt và các khuyết tật khác. Trong tương lai, các nhà khoa học hy vọng sẽ tạo ra kết quả tốt hơn bằng cách cải thiện hệ thống kích xung điện của họ, để chúng có thể tạo ra những chuyển động chính xác hơn theo nhiều hướng hơn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất