Robot phát hiện hỏng hóc trong đường cống



Robot có thể chui sâu cống và “nhìn” thấy mọi hỏng hóc, nhưng kinh phí dành cho việc này chỉ có 200 triệu đồng trong năm nay.

Tổng chiều dài của hệ thống cống cống cần kiểm tra năm 2010 bằng robot khoảng 3km và kinh phí duyệt cho việc này 200 triệu đồng”, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó phòng quản lý và dịch vụ môi trường - Công ty TNHH một thành viên thoát nước đô thị TP.HCM cho biết.




Hiệu nay TP.HCM có hai robot kiểm tra hệ thống cống. Một robot được mua giữa năm 2003, cùng với xe chuyên dụng và hệ thống điều khiển với kinh phí gần 2,4 tỷ đồng. Sau đó vào năm 2009, Công ty thoát nước đô thị TP.HCM mua thêm một con robot lớn hơn với giá 1,4 tỷ đồng. Theo ông Hiếu: “Nếu các robot này có trục trặc, hỏng hóc gì phải chuyển sang Mỹ mới sửa chữa được”.

Trong điều kiện đường cống không bị lấp và không vấp chướng ngại vật, một ngày (8 giờ) robot có thể thăm dò được hơn 300m đường cống. Nhưng nếu gặp điều kiện không thuận lợi, mỗi ngày robot chỉ kiểm tra được 100 – 150m đường cống. Trước khi khảo sát cống bằng robot, người ta phải chặn dòng, không cho nước tiếp tục tràn vào cống và bơm nước ra để mực nước ở mức dưới 10cm. “Nếu cao hơn, nước sẽ làm ảnh hưởng đến các mạch điện của robot”, một công nhân vận hành nói.

Cấu tạo robot gồm bánh xe di chuyển, đèn chiếu sáng, camera và mô tơ để đi lại. Một máy phát điện từ trung tâm điều khiển đặt trên xe chuyên dụng sẽ cấp điện cho robot. Từ trên xe, nhân viên kỹ thuật sẽ điều khiển cho robot di chuyển, thao tác trong lòng hệ thống cống. Tất cả những “bí mật” trong lòng đường cống mà robot “thấy” được qua máy quay phim mang trên mình sẽ truyền về hai màn hình ở trung tâm điều khiển.


Cũng dựa vào màn hình mà nhân viên kỹ thuật điều khiển robot làm việc theo ý muốn. Khi phát hiện những điểm nghi ngờ trong lòng cống, nhân viên kỹ thuật sẽ điều khiển robot đi chậm lại, hoặc dừng rồi hướng camera cận cảnh vào những điểm khả nghi. Vì thế, có thể khẳng định mọi khuyết tật trong lòng cống đều được phơi bày trước robot cũng như trước nhân viên kỹ thuật thông qua màn hình ở trung tâm điều khiển. Camera ở robot được thiết kế với hai khớp (trục) để dễ dàng ghi nhận hình ảnh ở mọi góc độ. Một hệ thống đèn chiếu sáng nhỏ nhưng mạnh lắp trên robot cũng hỗ trợ tăng cường độ sáng hình ảnh cho camera.



Không chỉ cho phép xem “sống” hình ảnh ngay trên hiện trường, những hình ảnh đó còn được lưu lại vào đĩa DVD. Nhờ đó, người ta có thể nghiên cứu lại những đặc điểm hoặc hỏng hóc trong đường cống rồi lên phương án sửa chữa và tính toán kinh phí. Nếu muốn sửa chữa chỉ cần đo đạc lại hiện trường rồi đào xuống ngay điểm cần sửa chữa, tránh trường hợp đào tràn lan.

Ông Hiếu cho biết, trong các năm qua, thành phố ưu tiên kiểm tra các đoạn cống khả nghi hỏng hóc cao như hệ thống cống cũ, các đoạn cống nằm trong vùng ngập nước. Theo một kỹ thuật viên, các lỗi thường phát hiện trong hệ thống đường cống khi kiểm tra: Khớp nối giữa các đoạn cống cống bị giãn (hở) ra làm cho đất cát phía trên tụt xuống cống. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra các hố “tử thần”. Bên cạnh đó là tình trạng rễ cây, các loại đường ống khác đâm ngang vào đường cống…

Với hai robot hiện có, mọi đường cống có đường kính từ 300mm trở lên đều kiểm tra được và cho kết quả chính xác. Tuy nhiên ông Hiếu cũng thừa nhận: “Đường cống của thành phố thì nhiều, tình trạng khả nghi hỏng hóc cũng rất lớn, trong khi kinh phí dành cho việc dùng robot để kiểm tra là quá ít”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất