Robot thay con người bước lên sao Hỏa
Để có thể đưa người lên sao Hỏa, đội ngũ khoa học gia cần tính đến chuyện hạ cánh một con tàu không gian nặng khoảng 10 tấn.
Câu hỏi liệu con người có thể sinh tồn trên sao Hỏa hay không một lần nữa gây sự chú ý sau khi Cơ quan Hàng không vũ trụ (NASA) của Mỹ trình làng robot tự hành Mars 2020 được thiết kế riêng để khám phá hành tinh Đỏ hôm 27/12.
Mars 2020 có nhiệm vụ thu thập các mẫu thử để tiến hành phân tích, đánh giá các tài nguyên tiềm năng sẵn có trên sao Hỏa, bao gồm: không khí, đất đá, nước... cũng như cách khai thác các nguồn tài nguyên này để chuẩn bị cho các chuyến thám hiểm của con người trong tương lai.
Các chuyên gia thiết kế Anh phác thảo nguyên mẫu một ngôi nhà trên sao Hỏa - (Ảnh: SWNS).
Kỳ vọng Mars 2020
Cho đến nay, các bằng chứng thu thập được cho thấy sao Hỏa đã từng là nơi đầy nước, ấm hơn và có bầu khí quyển dày hơn, tạo nên một môi trường có thể ở được, khiến hành tinh này trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với con người.
Ngoài ra, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến sao Hỏa vì đây là hành tinh có cấu tạo gần giống Trái đất nhất trong hệ Mặt trời.
Để giảm chi phí và rủi ro cho con người khi thám hiểm sao Hỏa, NASA đã triển khai trước các sứ mệnh dùng robot tự hành để tìm hiểu về các đặc tính của hành tinh Đỏ cũng như các rủi ro tiềm ẩn cho con người khi lên đó.
Robot tự hành Mars 2020, ra mắt hôm 27/12, sẽ không chỉ tìm kiếm dấu vết của sự sống cổ xưa mà còn mở đường cho các sứ mệnh có sự tham gia của con người trong tương lai.
Ông Jim Green - giám đốc Ban khoa học hành tinh (PSD) của NASA - từng chia sẻ với USA Today rằng con người hoàn toàn có khả năng sinh tồn trên sao Hỏa trong tương lai.
Niềm tin của ông Green bắt nguồn từ việc robot khám phá sao Hỏa Curiosity phát hiện các khối tạo dựng cơ bản trong vật chất hữu cơ cổ đại trong một lớp đá trầm tích có niên đại 3 tỉ năm nằm gần lớp đất đá bề mặt vào tháng 6-2018.
Các khối tạo dựng cơ bản, còn gọi là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng của sự sống, có thể được cấu thành ở bất cứ nơi nào trong hệ Mặt trời.
Theo Đài Sky News, tần suất mà các khối tạo dựng cơ bản hình thành nên protein và các sinh vật sống vẫn là một câu hỏi chưa lời đáp, nhưng việc phát hiện các khối tạo dựng khiến cho cuộc sống trên hành tinh Đỏ ngày càng trở nên thực tế hơn.
Ngoài ra, sao Hỏa cũng mang nét đẹp thiên nhiên kỳ ảo: một hẻm núi lớn có diện tích gần bằng toàn bộ chiều rộng của nước Mỹ và một núi lửa có kích thước của bang Arizona. Theo ông Green, hành tinh Đỏ có thể mang đến cho con người một "cuộc sống hoàn toàn mới với những khung cảnh mới".
Sau robot tự hành là tàu không gian?
NASA có kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2040, nhưng để biến mục tiêu này thành hiện thực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Một số khó khăn mà các nhà khoa học phải giải quyết trước khi đưa con người lên sao Hỏa, theo ông Green, là phải hạ cánh và cất cánh tàu không gian được từ bề mặt của hành tinh này. Ngoài ra, con người cũng cần mặc bộ đồ không gian trong suốt thời gian trên sao Hỏa, cần làm quen với mùa bão bụi cũng như cần xây dựng hạ tầng và cố gắng sản xuất oxy trên sao Hỏa.
Cho đến nay, NASA chỉ mới có thể hạ cánh một thiết bị nặng 1 tấn xuống bề mặt sao Hỏa, chẳng hạn robot tự hành Mars 2020 có trọng lượng 1,05 tấn. Để có thể đưa người lên sao Hỏa, đội ngũ khoa học gia cần tính đến chuyện hạ cánh một con tàu không gian nặng khoảng 10 tấn.
"Một lúc nào đó trong thập kỷ tới, chúng tôi có kế hoạch phóng tàu không gian khỏi bề mặt sao Hỏa và quay trở về" - ông Green chia sẻ. Ngoài ra, ông Green cũng cho biết các máy in 3D có thể căn cứ vào các mẫu bụi trên hành tinh Đỏ để thiết kế nơi cư trú cho con người.
Tháng 6-2018, Curiosity cũng phát hiện sao Hỏa đang phát ra lượng lớn khí metan, có thể là dấu hiệu sự sống của vi khuẩn trên hành tinh Đỏ, theo New York Times, các sinh vật sống trên Trái đất thường thải ra loại khí này. Tại Trái đất, các vi khuẩn gọi là mathanogens sống ở những nơi yếm khí và giải phóng metan như một dạng chất thải.
Dù vậy, NASA cho biết các phát hiện về vật chất hữu cơ và khí methane chỉ là "kết quả nghiên cứu ban đầu" do các phân tử hữu cơ cũng có thể được tạo ra từ những phản ứng phi sinh học và cần phải tiếp tục phân tích sâu hơn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, ông Thomas Zurbuchen - quản lý Ban các sứ mệnh khoa học của NASA - cho rằng những phát hiện mới này cũng giúp "củng cố hi vọng về một hành tinh có thể đã từng tồn tại sự sống".
Hiện nay lên sao Hỏa vẫn là một hành trình khó khăn và sẽ còn khó hơn để con người đặt chân lên sao Hỏa, vì chúng ta phải "đóng gói mọi thứ" để có thể sống sót trong chuyến đi đến hành tinh láng giềng và quay trở về an toàn.
Nhiệm vụ lên sao Hỏa sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta có thể sử dụng các tài nguyên sẵn có trên hành tinh này, đặc biệt là nước, vì nước là nguồn tài nguyên quý giá trong các cuộc thám hiểm của con người.