Robot xây xong căn nhà trong 14 tiếng

Các nhà nghiên cứu tạo ra hệ thống robot có khả năng tạo nên ngôi nhà trong chưa đầy một ngày, hứa hẹn thay đổi hoàn toàn việc xây dựng.

Cỗ máy hiện đại mang tên Thiết bị Xây dựng Kỹ thuật số (DCP) của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) có thể xây một ngôi nhà bằng công nghệ in 3D trong chưa đầy một ngày, ít hơn rất nhiều so với thời gian 7 tháng xây bằng phương pháp bình thường, theo Seeker.


Quá trình chế tạo một phần ngôi nhà của robot in 3D.

DCP chạy bằng pin năng lượng Mặt Trời, sử dụng cánh tay chuyển động chính xác để phun khuôn bọt cách nhiệt lên mặt đất, sau đó đổ đầy xi măng vào. Nó có thể xây bức tường đường kính 15m, cao 3m chỉ trong 14 tiếng, nhanh và rẻ hơn so rất nhiều với các phương pháp xây dựng truyền thống.

Cấu trúc tòa nhà có thể tùy biến dựa theo nhu cầu và mong muốn của chủ nhà. Kết cấu bên trong cũng có khả năng thay đổi, nhiều vật liệu khác nhau có thể được kết hợp trong quá trình xây. Mật độ vật liệu khác nhau được điều chỉnh để tối ưu sức bền, tạo khả năng cách điện hay các tính chất khác.

Cánh tay robot được gắn trên khung xe bánh xích để di chuyển tới vị trí cần thiết. Nó được trang bị nhiều loại vòi phun khác nhau, tùy thuộc mục đích công việc là đổ bê tông hay phun vật liệu cách điện.


DCP bên trong bức tường tự xây dựng. (Ảnh: MIT).

DCP có khả năng tạo ra hình khối phức tạp. Nhóm nghiên cứu muốn đạt được thiết kế đa năng, đủ sức tự cung tự cấp. Họ thêm vào một chiếc gàu xúc đất để robot tự san lấp bề mặt hay thu nhặt vật liệu xung quanh. Với khả năng dùng pin Mặt Trời, cỗ máy có thể vận hành ở các nước đang phát triển và khu vực thảm họa, khi nguồn điện và nhiên liệu không có sẵn.

Công nghệ này không chỉ thay đổi cách con người xây nhà trên Trái Đất, mà nó được dự đoán sẽ có tác dụng trong các nhiệm vụ trên sao Hỏa. MIT muốn tạo ra một hệ thống hoàn toàn tự động để đưa lên Mặt Trăng, sao Hỏa hay Nam Cực.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất