Roi đồng hé lộ cuộc sống tu sĩ trong đại dịch Cái chết Đen
Các nhà khảo cổ Anh tìm ra điều bí mật ẩn sau một số đoạn dây đồng hợp kim bện xoắn khai quật tại một tu viện từ thời Trung Cổ.
Được tìm thấy năm 2014 tại tu viện Rufford, Nottinghamshire, Anh, đoạn dây đồng được bện lại với nhau là một phần cây roi dài do các tu sĩ sử dụng để thực hiện khổ hình tự tra tấn, Discovery News hôm 4/4 đưa tin.
Theo Hội đồng hạt Nottinghamshire, ý nghĩa thực sự của đoạn dây từ thế kỷ 14 được hé lộ sau khi nhóm nghiên cứu so sánh nó với một cây roi bằng kim loại tương tự phát hiện tại tu viện khác của Anh.
Một đoạn roi đồng trong hộp bảo vệ và bản phục dựng chiếc roi. (Ảnh: Hội đồng Nottinghamshire).
"Đây là một phát hiện thú vị giúp chúng ta xây dựng một bức tranh về cuộc sống của các tu sĩ trong tu viện Rufford suốt thời kỳ đen tối diễn ra đại dịch Cái chết Đen và hậu quả của nó", nghị viên John Knight, chủ tịch Ủy ban văn hóa, cho biết.
Đại dịch Cái chết Đen diễn ra do bùng phát bệnh dịch hạch và tàn phá nước Anh từ năm 1348 đến 1350, khiến tu viện Rufford mất đi phần lớn thu nhập từ ngành công nghiệp len. Do tình hình tài chính khó khăn của tu viện, nhiều vị vua đã miễn thuế cho tu viện trong thời kỳ này.
Đây là chiếc roi thứ tư được phát hiện ở nước Anh. Các tu sĩ dòng Xitô sử dụng roi trong thời kỳ này để xua đuổi đại dịch Cái chết Đen, hoặc như một hành động tự sám hối thay cho tội ác của người dân.
Các tu sĩ sống một cuộc đời khổ hạnh. Họ dậy từ lúc 4 giờ 30 sáng để làm các công việc của nhà thờ và sau đó làm việc ngoài cánh đồng trong nhiều giờ.
Dù sử dụng roi đồng để tự tra tấn, những ghi chép lịch sử cũng hé lộ một vài tu sĩ Rufford đã phá giới. Brother William, một tu sĩ trong số đó, bị bắt vì tội giết Brother Robert năm 1280, và hai tu sĩ bị buộc tội cướp 285 USD của Thomas De Holme.
Theo chuyên gia về thời Trung cổ Glyn Coppack, roi đồng ở tu viện hiếm khi được phát hiện. "Đây quả là một phát hiện đặc biệt", Coppack nói.