"Rừng ma" lan rộng trên bờ biển North Carolina
Một nghiên cứu mới cho thấy sự mở rộng của những khu rừng chết ven biển North Carolina có thể góp phần vào biến đổi khí hậu.
Rừng ma là khu vực bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, nơi cây cối sống phụ thuộc vào nước ngọt chết đứng hàng loạt, để lại những cọc gỗ trơ trọi trong đầm lầy. Sự chuyển đổi này làm thất thoát đáng kể lượng carbon lưu trữ trong cây cối và thực vật trên mặt đất. Khi được giải phóng dưới dạng khí, carbon có thể góp phần đẩy nhanh sự nóng lên toàn cầu.
Một khu rừng ma trên bờ biển North Carolina. (Ảnh: Marcelo Ardon/Yale Environment).
Trong một nghiên cứu mới do nghiên cứu sinh tiến sĩ Lindsey Smart từ Trung tâm Phân tích Không gian Địa lý của Đại học North Carolina dẫn đầu, các nhà khoa học đã theo dõi sự mở rộng của rừng ma trong một khu vực rộng 6433km2 trên bán đảo Albemarle-Pamlico. Họ phát hiện ra rằng tại những vùng đất không được quản lý, những cánh rừng chết này đã mở rộng hơn 15% từ năm 2001 đến năm 2014.
Sử dụng mô hình toán học dựa trên dữ liệu về chiều cao và các loại thực vật trong khu vực, nhóm nghiên cứu ước tính khoảng 130.000 tấn carbon dự trữ đã được giải phóng trong 13 năm qua tại Albemarle-Pamlico. Con số này tương đương với lượng phát thải của 102.900 phương tiện giao thông chở khách trong một năm.
"Rừng ven biển độc đáo ở chỗ chúng lưu trữ carbon cả trong tán lá và đất giàu chất hữu cơ. Khi sự xâm nhập của nước mặn tăng lên, sẽ tác động đến cả carbon trên mặt đất và dưới lòng đất", Smart nhấn mạnh. "Nhiều người nghĩ nước biển dâng là mối đe dọa lâu dài, nhưng chúng tôi đã thấy những sự thay đổi đáng kể chỉ trong thời gian ngắn".
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ điều gì sẽ xảy ra với lượng carbon dự trữ bị mất khi những cánh rừng lụi tàn vì nước mặn. Chúng có thể đã bay vào khí quyển dưới dạng khí hoặc đi sâu vào trong lòng đất.
Một cánh rừng ma khác trên đảo Capers ở Carolina. (Ảnh: NOAA).
Trong quá trình nghiên cứu những khu rừng ma trải dọc theo đường bờ biển của bán đảo Albemarle-Pamlico, Smart cùng các cộng sự nhận thấy lượng carbon dự trữ bị thất thoát được bù đắp phần nào thông qua việc trồng cây trong những khu rừng khai thác gỗ.
Bên cạnh đó, họ cũng chỉ ra việc sử dụng kênh mương thoát nước cũng có tác động đến sự lan rộng của rừng ma. "Mạng lưới thoát nước, nếu không được duy trì, có thể tạo thành đường dẫn để nước mặn xâm nhập. Các kênh đào hỗ trợ hay ngăn chặn nước mặn tùy thuộc vào cách các chủ sở hữu đất sử dụng chúng", Smart giải thích.
Một số điều kiện tự nhiên khác như hạn hán và cháy rừng cũng góp phần làm trầm trọng thêm sự lan rộng của rừng mà dọc theo bờ biển. Theo nhóm nghiên cứu, hạn hán và lửa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nhiễm mặn hóa.
"Nghiên cứu của chúng tôi giúp lập bản đồ những khu vực dễ bị tổn thương do tác động của nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Điều này có thể hỗ trợ các nỗ lực quản lý đất đai để hạn chết mất rừng ven biển", Smart nói về tầm quan trọng của nghiên cứu.
- Tại sao bạn luôn nghĩ mình đúng, kể cả khi bạn đang sai?
- Những bí ẩn của thế giới được chia sẻ trên mạng Internet
- Lăng mộ quyền lực nhất Trung Hoa: Kẻ duy nhất mạo phạm bị cả triều đình truy sát