Sách cũ có một mùi rất đặc trưng, và nó tiết lộ thông tin cực kỳ quan trọng

Sách càng cũ, thứ mùi này càng rõ hơn. Nó đến từ đâu, và tiết lộ điều gì?

Chúng ta ai cũng biết rằng kho báu càng cổ càng có giá trị. Sách vốn là kho tàng của nhân loại, nên cũng không ngoại lệ.

Những cuốn sách được lưu trữ hàng chục, hàng trăm năm, không chỉ có giá trị về mặt kiến thức, mà còn mang trong mình giá trị lịch sử không gì đong đếm được.


Sách cũ có một thứ mùi rất đặc trưng.

Nhưng nếu là một người thích sách, chăm chỉ lui tới thư viện, bạn hẳn sẽ nhận ra những cuốn sách cũ có một thứ mùi rất đặc trưng. Như Matija Strlic - một học giả tại ĐH College London (Anh) từng chia sẻ, thứ mùi ấy "là sự kết hợp giữa mùi mốc, vanilla, hạnh nhân... trộn thêm vài loại acid". Nghe thì kinh khủng nhưng không cưỡng lại được, vì nó "giống như một phần nội dung đặc trưng của cuốn sách, chẳng thể nhầm lẫn cũng không thể chối từ".

Có điều, thứ mùi ấy đến từ đâu? Bí mật nằm trong hàng trăm hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (volatile organic compound - viết tắt là VOC) - vốn được tẩm trong giấy, mực, và chất kết dính. Qua thời gian, các VOC dần tan rã, giải phóng một lượng hóa chất khá "bắt mũi" và đặc trưng của sách cũ.

Trên thực tế, mỗi cuốn sách sẽ có mùi khác nhau, vì nó phụ thuộc vào lượng VOC được dùng khi làm sách. Theo khảo sát từ một công ty in, sách có mùi hạnh nhân là do làm từ benzaldehyde, các mùi ngọt đến từ toluene hoặc ethyl benzene, và hương hoa là do 2-ethyl hexanol.


Người thủ thư giàu kinh nghiệm có thể "ngửi" và nhận ra những cuốn sách nào đang bị hư hại nghiêm trọng.

Ngoài ra, mùi của sách cũ đôi khi đến từ các yếu tố không thể tránh qua thời gian: mùi khói, ẩm mốc, hoặc do mùi hoa ép khô đặt giữa các trang sách.

Nhưng thứ mùi này có gì quan trọng?

Đây là khả năng chỉ những thủ thư lâu năm và giàu kinh nghiệm mới có: họ có thể "ngửi" và nhận ra những cuốn sách nào đang bị hư hại nghiêm trọng.

Kỹ năng này rất cần thiết, vì những cuốn sách đó sẽ cần được bảo vệ kỹ hơn, hoặc phải sao chép lại càng sớm càng tốt. Theo như một nghiên cứu đăng trên tạp chí Analytical Chemistry năm 2009, có khoảng 15 hợp chất VOC phân hủy với tốc độ nhanh hơn bình thường, nên cần phải cẩn trọng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất