Sâm Ngọc Linh và những điều ít ai biết

Việc tìm ra sâm Ngọc Linh có thể nói là một trong những phát hiện quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực y dược không chỉ của Việt Nam.

Sâm Ngọc Linh - một loại sâm quý, hiếm

Sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, được đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y Khu V phát hiện năm 1973 tại núi Ngọc Linh, thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đến năm 1985 hai nhà khoa học (TS Hà Thị Dụng và TS Grushvitsky) xác định sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L., họ nhân sâm (Araliaceae) và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv (theo Trung tâm Sâm Việt Nam - 1993), thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam.

Duy nhất cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam có sâm Ngọc Linh và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 5 huyện, với 16 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) và huyện Nam Trà My (Quảng Nam) là có sâm Ngọc Linh. Đỉnh Ngọc Linh cao 2.598 m được xem như nóc nhà của Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh.

Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế, Sâm Ngọc Linh có số lượng Saponin (một trong những thành phần hóa học của các loại thảo mộc, có hiệu quả rất lợi cho sức khỏe con người) cao hơn nhiều lần so với các loại sâm khác trên thế giới.


Đây là một trong những loại sâm có hàm lượng Saponin nhiều nhất.

Những kết quả phân tích thân và rễ, củ của sâm Ngọc Linh, các nhà khoa học xác định được có 52 loại Saponin, trong đó có 26 Saponin có cấu trúc hóa học thường thấy trong sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản và 26 Saponin có cấu trúc mới, không có trong các loại sâm khác.

Như vậy, đây là một trong những loại sâm có hàm lượng Saponin nhiều nhất. Ngoài ra, các bộ phận trên mặt đất của sâm như lá, thân (cọng) sâm Ngọc Linh đã phân lập được 19 Saponin Dammaran, trong đó có 8 Saponin có cấu trúc mới.

Công dụng của sâm Ngọc Linh

Các công trình nghiên cứu đã xác định được thành phần dược tính trong Sâm Ngọc Linh có 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1%.

Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường...

Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và được xếp vào một trong bốn loại sâm tốt nhất thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ.

Ngày 16/8/2016, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh tại các xã Măng Ri, Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nhằm thông tin rộng rãi đến các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp... trong và ngoài nước về giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh trên thị trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án đầu tư 567 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2024 nhằm xây dựng sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất