San hô xơi tái sứa
Sứa trăng khá to và di chuyển nhanh, nhưng chúng lại bị nuốt chửng bởi một loài sinh vật biển hầu như bất động là san hô nấm.
Một số nhà khoa học của Đại học Bar-Ilan và Đại học Tel Aviv (Israel) chụp được cảnh những con sứa trăng (Aurelia aurita) bị hút vào miệng san hô nấm (Fungia scruposa) khi họ khảo sát những rặng san hô ở biển Đỏ hồi đầu năm nay.
"Trong lúc khảo sát chúng tôi nhìn thấy một số san hô nấm chủ động nuốt sứa trăng. Chúng tôi vô cùng sửng sốt trước cảnh tượng ấy", Ada Alamaru, một thành viên trong nhóm, kể với Daily Mail.
Theo Alamaru, đàn sứa bơi xuống phía dưới để tránh chim biển và rùa biển, nhưng lại bị san hô nấm nuốt. Những cảnh tượng tương tự xảy ra phổ biến dưới đáy biển, song chúng ta hiếm khi nhìn thấy bằng mắt thường. Điều mà các nhà khoa học quan tâm là: san hô bắt sứa bằng cách nào?
San hô nấm - có đường kính khoảng 25 cm - hầu như không chuyển động mặc dù chúng không bị gắn chặt xuống đáy biển.
"Đây là lần đầu tiên cảnh tượng san hô ăn những con sứa có kích thước tương đương được ghi lại. Trên thực tế chúng tôi nhìn thấy hành vi ấy ở nhiều san hô, chứ không phải một", Alamaru tuyên bố.
Daily Mail cho biết, san hô nấm có miệng rộng, sống cố định và không kết hợp với nhau để tạo thành rặng san hô. Đây là những điểm trái ngược với phần còn lại của thế giới san hô. Thức ăn chủ yếu của chúng là những sinh vật phù du (có kích thước tối đa khoảng 25 mm). Trong khi đó sứa trăng có đường kính tới 130 mm - bằng một nửa so với kích thước san hô nấm.
Alamaru cho rằng việc ăn sứa trăng có thể giúp san hô nấm bổ sung nhiều loại protein có giá trị. Bà nói số lượng sứa trong các đại dương tăng vọt vài năm gần đây do tình trạng ấm lên toàn cầu.
"Khả năng đa dạng hóa nguồn thức ăn và tận dụng sự bùng nổ số lượng sứa giúp san hô nấm có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các loài san hô khác", Alamaru bình luận.
Phát hiện của Alamaru và các đồng nghiệp được đăng trên tạp chí Coral Reefs, ấn phẩm của Hiệp hội nghiên cứu san hô quốc tế.