Săn lùng hóa thạch động vật dưới dòng sông đóng băng
Sông Tobol được mô tả là một mỏ hóa thạch độc nhất vô nhị dưới nước với rất nhiều răng và xương của động vật tiền sử.
Thợ lặn tìm kiếm hóa thạch dưới dòng sông Tobol đóng băng.
Nằm cách thủ đô Moskva 2.000km về phía đông, sông Tobol từng được bao phủ bởi hồ băng Tây Siberia khoảng 80.000 năm về trước. Khu vực này lưu trữ một lượng lớn hóa thạch của các loài động vật đã tuyệt chủng như tê giác lông mượt, voi ma mút, bò, ngựa, sư tử và cá mập cổ đại.
Trong gần hai thập kỷ qua, các nhà cổ sinh vật học đã hợp tác với thợ lặn để săn lùng những chiếc răng và xương hóa thạch bên dưới đáy sông cho mục đích nghiên cứu. Các mẫu vật tại đây có niên đại thuộc nhiều thời kỳ địa chất khác nhau, kéo dài từ 66 triệu đến 11,7 nghìn năm trước, mang đến hình dung rõ hơn về cuộc sống của quần thể động vật hoang dã bản địa trong quá khứ.
Những cảnh quay được ghi lại vào ngày 3 và 4/1 cho thấy dù tiết trời lạnh tới -25 độ C, các thợ lặn vẫn tiếp tục công việc tìm kiếm. Một thành viên trong nhóm tên Yaroslav Makarov cho biết mùa đông là thời điểm lý tưởng để săn lùng hóa thạch bởi nước sông trong hơn, nông hơn và chảy chậm hơn so với các mùa còn lại.
Trong lần thám hiểm này, các thợ lặn đã tìm thấy thêm nhiều răng cá, cùng với xương và hộp sọ của động vật có vú. Giống như những phát hiện trước đây, chúng sẽ được đưa về Viện Hàn lâm Khoa học Nga để nghiên cứu và cuối cùng chuyển đến các bảo tàng địa phương để lưu giữ.
- "Bóng ma" bằng 100 tỉ Mặt trời khuấy động đài quan sát Trái đất
- Chế tạo thành công "pin không khí kẽm" có thể sạc lại, mở ra tương lai thay thế pin lithium
- Lần đầu tiên tìm thấy hươu cao cổ… chân ngắn trong tự nhiên