Sản xuất bê tông từ... bùn thải công nghiệp
Bùn thải từ các nhà máy dệt nhuộm, giày da, xử lý nước thải tập trung... sẽ được xử lý mùi, thêm hóa chất để thay thế cát trong sản xuất bê tông, thích hợp cho việc làm nền, đường nội bộ, bê tông đúc sẵn.
Đây được gọi là “kỹ thuật THS” do tiến sĩ Nguyễn Hồng Bỉnh, Phó chủ tịch Hội Khoa học – kỹ thuật xây dựng TP HCM nghiên cứu. Hiện kỹ thuật này được triển khai thử nghiệm tại Xí nghiệp Xử lý chất thải Bình Dương.
Tiến sĩ Bỉnh tâm sự: “Từ khi còn đương chức (Phó giám đốc Sở NN- PTNT TP HCM), tôi đã rất quan tâm và có ý tưởng xử lý bùn thải của các nhà máy công nghiệp, nhưng đến khi về hưu mới thực hiện được”.
Bí quyết của kỹ thuật này là ở một số hóa chất do ông Bỉnh điều chế để xử lý mùi hôi và kết dính bùn thải, có thể thay cho cát dùng trong sản xuất bê tông. Những hóa chất này được đặt tên là BOF1, BOF2 và HSOB.
Bùn thải sau khi lấy lên (bùn tươi) sẽ được xử lý mùi hôi bằng hóa chất BOF1 và BOF2 với thời gian khoảng 15 phút. Sau đó, hỗn hợp bùn thải đã qua xử lý bước đầu này được trộn với xi măng (pooclăng bình thường) và hợp chất phụ gia HSOB để làm bê tông.
Phụ gia HSOB có tác dụng tạo ra phản ứng ô-xi hóa khử, chuyển những chất độc hại thành không hoặc ít độc hại hơn và tạo thành chất trơ với nước.
Những hóa chất này được điều chế từ các nguyên liệu có sẵn trên thị trường. Tùy theo mỗi loại bùn thải: dệt nhuộm, thuộc da, chế biến thủy sản, bùn tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung, các dòng kênh, cống ô nhiễm trong thành phố... sẽ có cách điều chế với tỉ lệ pha trộn khác nhau để xử lý. Tiến sĩ Bỉnh cho biết, chi phí cho hóa chất để xử lý một tấn bùn thải thành cát đúc bê tông khoảng 1,2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Xí nghiệp Xử lý chất thải, thuộc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước môi trường tỉnh Bình Dương cho biết: Hiện, đơn vị này áp dụng thử nghiệm kỹ thuật này để xử lý bùn thải của các nhà máy dệt nhuộm, thuộc da, tro thu hồi từ lò đốt chất thải nguy hại...
Trước đây, Xí nghiệp Xử lý chất thải Bình Dương xử lý loại bùn thải này bằng hố chôn lấp an toàn. Với bùn thải nhiều chất hữu cơ, đơn vị tiến hành đốt. Nhưng khi đốt xong, đơn vị vẫn phải chôn lấp vì loại bùn này không thể cháy hết. Đơn vị đang tiến hành lập hội đồng khoa học để đánh giá và thay thế biện pháp xử lý xưa nay bằng cách đóng rắn bê tông làm cơ sở hạ tầng và bê tông đúc sẵn.
Cách làm mới này có thể biến nguồn chất thải nguy hại thành tài nguyên với chi phí rẻ gấp 8 lần so với việc chôn lấp hay đốt. Kết quả xét nghiệm cho thấy, việc dùng bùn thải thay cát để làm bê tông theo cách nêu trong bài đạt tiêu chuẩn an toàn môi trường Việt Nam.