Sau 20 năm lưu lạc, sổ tay của Charles Darwin đã được người bí ẩn trả lại Thư viện Đại học Cambridge
Hai mươi năm trước, hai cuốn sổ tay viết bởi Charles Darwin biến mất một cách bí ẩn khỏi Thư viện Đại học Cambridge. Một trong số chúng chứa hình vẽ tay của Darwin, mô tả một phiên bản chưa đầy đủ của “Cây Sự sống” trứ danh. Sau nhiều năm kiếm tìm tung tích hai cuốn sổ trong vô vọng, nó đã tìm được đường về Thư viện nhờ một nhân vật bí ẩn.
Ngày 27/12/1831, Charles Darwin ra khơi trên con tàu HMS Beagle với tư cách nhà tự nhiên học trong thủy thủ đoàn. Mục đích của chuyến hải trình là vẽ lại đường bờ biển miền Nam Mỹ, và Darwin sẽ chịu trách nhiệm thu thập, ghi lại mẫu vật mà thủy thủ đoàn bắt gặp. Ngoài ra, ông còn đặt chân lên bờ mỗi khi tàu cập bến, nghiên cứu các đặc tính địa lý của khu vực địa phương.
Charles Darwin.
Ngài Darwin ghi lại tất cả các quan sát trong cuốn sổ ông luôn mang theo mình. Chuyến hải trình đáng lẽ sẽ kết thúc sau 2 năm, nhưng thực tế chuyến đi đã tiêu tốn 5 năm cuộc đời của nhà tự nhiên học lỗi lạc. Xuyên suốt hành trình, Charles Darwin cũng gửi về Anh Quốc nhiều những phát hiện của mình, làm giàu thêm vốn kiến thức cho những nhà nghiên cứu nơi quê nhà.
Ngày 2/10/1836, tàu Beagle kết thúc hải trình tại Falmouth, Cornwall. Sau chuyến thăm gia đình, Charles Darwin trở lại Cambridge và đắm mình trong số mẫu vật mà đoàn nghiên cứu mang về. Tháng Ba năm 1837, Darwin đã nắm trong tay một số bằng chứng quan trọng, đủ để ông phỏng đoán việc các loài vật chuyển đổi vẻ ngoài theo thời gian, biến thành loài khác.
Hai cuốn sổ tay của Darwin.
Mùa hè năm 1937, Darwin chắp bút viết nên ý tưởng về vòng đời sinh vật cũng như những đặc tính khác nhau của từng thế hệ sinh vật. Ông tin rằng lý thuyết của mình có thể giải mã được độ đa dạng sinh học kỳ lạ của quần đảo Galapagos trứ danh.
Đó là khi Darwin phác thảo Cây Sự sống trong cuốn sổ B, mô tả đại ý về một cây tiến hóa duy nhất, nhưng vẫn kết luận rằng “thật quái lạ khi nói về một loài vật đứng cao hơn loài khác”. Hơn 20 năm sau, Darwin cung cấp cái nhìn toàn cảnh về khái niệm Cây Sự sống của mình trong cuốn sách Nguồn gốc Các loài - The Origin of Species.
Tại Thư viện Đại học Cambridge, cuốn sổ B chứa phiên bản sơ khai của Cây Sự sống được đặt cùng sổ C trong một chiếc hộp xanh, ẩn giữa vô vàn tài liệu quý giá của nhân loại. Chúng được đặt tên chung là “Những cuốn sổ đột biến”, được định giá lên tới nhiều triệu bảng Anh.
Tháng 9/2000, người ta mang hai cuốn sổ ra ngoài để chụp ảnh. Nhưng đến tháng 1/2001, họ phát hiện ra chiếc hộp xanh dương chứa những văn tự vô giá đã biến mất. Giả thuyết ban đầu cho rằng thủ thư đã đặt hộp nhầm chỗ, nhưng công cuộc tìm kiếm kéo dài 20 năm vẫn vô hiệu; bản thân phòng lưu giữ tài liệu cũng đã chứa tới hàng triệu văn bản, nỗ lực tìm kiếm lại chồng thêm khó khăn.
Dưới một ban quản lý mới, một đội tìm kiếm mới tiến hành rà soát tài liệu một lần nữa vào năm 2020, để rồi kết luận hai cuốn sổ vô giá có thể đã bị đánh cắp.
Bút tích của Darwin, bên cạnh phiên bản sơ khai của Cây Sự sống.
Thư viện Đại học Cambridge quyết định công bố sự việc cho toàn thể cộng đồng, mong muốn người giữ trả sách lại thư viện. Họ đồng thời báo tin cho cảnh sát, nhằm liệt kê hai cuốn sổ vào hệ thống quản lý dữ liệu PSYCHE, được Interpol dùng để lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp. Hành động này đồng thời đảm bảo cộng đồng trao đổi sách toàn cầu sẽ lập tức báo tin khi hai cuốn sổ lộ thiên; bút tích của Darwin độc đáo và có giá trị vô cùng, chúng sẽ không thể được trao đổi hay rao bán công khai.
15 tháng sau thời điểm trên, một bưu kiện nhỏ xuất hiện bên ngoài văn phòng của thủ thư Jessica Gardner, quản lý Thư viện Đại học Cambridge. Một phong bì màu nâu vỏn vẹn dòng chữ “Gửi Thủ thư, Chúc Lễ phục sinh hạnh phúc”. Bên trong phong bì là chiếc hộp bảo quản tài liệu màu xanh dương, chứa cả hai cuốn sổ vô giá được bọc một lớp nilon mỏng.
Mặt ngoài của phong bì bí ẩn.
Ai đó đã cất công bọc kín hai cuốn sổ vô giá.
Vui mừng trước việc hai cuốn sổ trở về, Thư viện quyết định trưng bày hai cuốn sổ tại buổi triển lãm mang tên Bảo tồn Darwin, mở cửa miễn phí vào ngày 9/7 tới đây.
“Tôi vui sướng vô vàn khi hai cuốn sổ đã an toàn trở về nhà, bên cạnh Kho lưu trữ Darwin của Thư viện Đại học”, phó chủ tịch Stephen J. Toope của Đại học Cambridge nói. “Những vật phẩm như thế này đóng vai trò quan trọng không chỉ trong lịch sử khoa học, mà còn lịch sử loài người”.
Thủ thư Gardner khẳng định với công chúng rằng hai cuốn sổ sẽ được giữ gìn cẩn thận dưới nhiều lớp bảo mật hơn. Thư viện cũng đã được nâng cấp trong khoảng thời gian những “đứa con cưng” mất tích: giờ kho sách đã có phòng bảo mật chắc chắn hơn, hệ thống camera quan sát khắp nơi, hệ thống bảo mật uy tín hơn, giờ còn có cả phòng đọc mới dành riêng cho chuyên gia.
“Chính sách bảo mật cũng khác nhiều so với 20 năm trước”, thủ thư Gardner thổ lộ. “Hôm nay, bất cứ vật phẩm nào biến mất sẽ đều rơi vào danh sách có thể bị mất cắp, và công cuộc tìm kiếm trên diện rộng sẽ bắt đầu ngay”. Ở thời điểm hiện tại, cảnh sát đang truy tìm danh tính của cá nhân, tổ chức gửi trả Thư viện bút tích của Darwin.
- Cô gái cho chim làm tổ trong tóc suốt gần 3 tháng, xem cận cảnh "ngôi nhà" của con vật mà choáng
- Sự thật hãi hùng về thứ mùi đáng sợ trên cơ thể thái giám
- Một nhà toán học vừa giải được câu đố Ai Cập có tuổi đời 4.000 năm