Sau sao Diêm Vương, NASA sẽ lái tàu New Horizons tới đâu?

Tháng 7 vừa rồi, tàu New Horizons của NASA đã làm nên lịch sử khi vượt qua sao Diêm Vương trở thành phi thuyền đầu tiên của nhân loại thăm dò đến hành tinh lùn này. Chưa dừng lại ở đó, NASA sẽ còn tiếp tục lái New Horizons đi xa hơn nữa.

Mục tiêu tiếp theo của tàu New Horizons

Điểm đến tiếp theo mà tàu New Horizons sẽ tiếp cận là vành đai Kuiper, một khu vực với hàng tỷ các thiên thể nhỏ, hầu hết chúng đóng băng và trôi nổi phía mép ngoài của hệ Mặt Trời. Mục tiêu cụ thể mà đội bay New Horizons của NASA muốn tiếp cận là một đối tượng thuộc vành đai Kuiper có tên 2014 MU69. Đây là một trong 3 thiên thể tiềm năng mà NASA xem xét thăm dò sau sao Diêm Vương.


Mục tiêu tiếp theo của tàu New Horizons là vành đai Kuiper.

Thiên thể 2014 MU69 được gọi là PT1 (Potential Target 1). Nó cách sao Diêm Vương 1 tỷ dặm và chỉ có kích thước khoảng 30 dặm chiều rộng. Việc điều khiển tàu New Horizons từ Trái Đất là rất khó khăn, đội bay chỉ có một cơ hội nhỏ để lái tàu đi đúng hướng. Nếu hết mùa thu này mà việc định hướng không hoàn tất, rất có thể New Horizons sẽ bỏ lỡ mất mục tiêu của mình.

NASA sẽ bắt đầu thực hiện bẻ hướng bay của New Horizons trong tháng 10 tới. Nó sẽ hướng đến PT1 ở khoảng cách 4 tỷ dặm từ Trái Đất. Nếu làm được điều này, tàu New Horizons lại tiếp tục làm nên một lịch sử mới. Chúng ta chưa từng một lần nhìn thấy bất cứ điều gì trên vành đai Kuiper ở khoảng cách gần.

Các thiên thể trong vành đai Kuiper cách rất xa Mặt Trời. Hầu hết trong số chúng đều là những vật liệu đóng băng còn sót lại của quá trình hình thành nên hệ Mặt Trời 4,6 tỷ năm về trước. Nghiên cứu về vành đai Kuiper có thể giúp trả lời câu hỏi về nguồn gốc của chúng ta trong không gian. Những gì chúng ta chưa từng biết trước đây có thể được hé lộ.


Chúng ta sẽ được nhìn cận cảnh PT1 như New Horizons đã làm với sao Diêm Vương.

Trước nhiệm vụ mới, đội bay New Horizons vẫn còn một số vấn đề cần cân nhắc. Một trong số đó tương đối quan trọng, họ cần sự phê duyệt của NASA để có được nguồn tài trợ tiếp theo cho giai đoạn này.

Tuy nhiên, dường như tất cả mọi người đều cảm thấy lạc quan. John Grunsfeld, người đứng đầu Ban giám đốc các sứ mệnh khoa học của NASA cho biết trong một thông các báo chí “Chúng tôi mong rằng sứ mệnh mới này sẽ tốn kém ít hơn so với các nhiệm vụ chính. Tuy nhiên, nó vẫn cung cấp các dữ liệu khoa học mới và đáng giá”.

Đến nay, toàn bộ chi phí cho sứ mệnh tàu New Horizons đã vào khoảng 700 triệu USD. Chưa có một con số cụ thế được đưa ra nếu tàu hướng tới mục tiêu PT1. Toàn bộ đội bay New Horizons đang trông đợi quyết định cuối cùng, họ hi vọng có thể tiếp cận PT1 vào năm 2019 nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất