Sẽ mất hàng triệu năm tiến hóa mới bù đắp được số sinh vật tuyệt chủng trong 50 năm tới

Thời gian để hệ sinh thái hồi sinh lại được số loài bị tuyệt chủng trong vòng 50 năm tới có thể kéo dài hàng triệu năm nếu như con người không kịp thời can thiệp để chấm dứt tình trạng này càng sớm càng tốt.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Aarhus, Đan Mạch và Đại học Gothenberg, Thụy Điển cho thấy, tốc độ tuyệt chủng của các loài động vật đang xảy ra nhanh hơn cả tốc độ tiến hóa của tự nhiên.


Mỗi dòng giống của một loài lại có hướng tiến hóa khác nhau.

Theo National Geographic, nếu không có các biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt hơn, Trái Đất có thể sẽ mất hàng triệu năm tiến hóa mới có thể phục hồi lại được số động vật bị tuyệt chủng và hệ sinh thái tự nhiên trong vòng 50 năm tới.

Giáo sư Jens-Christian Svenning thuộc Đại học Aarhus cho biết: "Chúng ta từng sống trong một thế giới của những loài khổng lồ, ví dụ như hải ly, hươu khổng lồ,… Nhưng giờ thì chúng đang sống trong một thế giới ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Những loài động vật có kích thước lớn như tê giác, voi có nguy cơ sẽ bị xóa sổ sớm trong tương lai".

Một trong những điều tuyệt vời nhất của sự đa dạng sinh học đó là mỗi dòng giống của một loài lại có hướng tiến hóa khác nhau. Loài Macrauchenia (lạc đà không bướu dài) sinh sống ở vùng đất Nam Mỹ hàng triệu năm về trước là một ví dụ điển hình. Bộ xương của chúng lần đầu được nhà sinh vật học Charles Darwin phát hiện trên hành trình di chuyển trên tàu Beagle.


Loài Macrauchenia.

Macrauchenia có hình dáng giống một con lạc đà, bàn chân của một con tê giác và một cái vòi ngắn giống như voi, mặc dù nó không hề có mối quan hệ với cả lạc đà lẫn voi. Khi loài Macrauchenia tuyệt chủng, rất nhiều nhánh tiến hóa của loài này cũng đã bị tuyệt chủng. Rõ ràng sẽ mất rất lâu để tiến hóa có thể lấp đầy được khoảng trống mà loài Macrauchenia để lại.

Các họ gần nhất với Macrauchenia là Perissodactyla, bao gồm các loài như ngựa vằn, tê giác và heo vòi. Tuy nhiên số lượng các loài này đang bị đe dọa nghiêm trọng do tác động của con người với tự nhiên.

Không chỉ vậy, còn có rất nhiều loài khác cũng đang đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn. Ví dụ như loài như tê giác đen, sinh sống chủ yếu ở Đông Phi, hiện đã được Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) liệt vào danh sách "cực kỳ nguy cấp".

Hay như voi Châu Á, một trong hai loài còn sống sót thuộc Bộ có vòi (Proboscidea) còn sót lại trên thế giới hiện nay. Tổ tiên của loài voi Châu Á là loài voi răng mấu thuộc chi tuyệt chủng Mammut từng sinh sống vào kỷ Băng Hà. Hiện nay quần thể voi Châu Á đang ngày càng suy giảm do nạn săn bắt để lấy ngà.


Tê giác đang là một trong những loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do môi trường sống thay đổi và nạn săn bắn trái phép.

Sử dụng công cụ mô phỏng trên máy tính và nghiên cứu mang tên "birth–death tree framework", nhóm các nhà khoa học đã tính toán thời gian giúp Trái đất hồi sinh được hệ sinh thái bị biến mất. Họ kiểm tra sự tuyệt chủng trước khi con người xuất hiện, sau đó xem xét nhân loại đã làm gì với mẹ Trái Đất và biến cuộc sống của muôn loài gặp khó khăn ra sao.

Theo kịch bản khả quan nhất, thời gian để phục hồi hệ sinh thái sẽ mất ít nhất từ 3-5 triệu năm. Thậm chí sẽ cần nhiều hơn 5 triệu năm để Trái đất có thể phục hồi lại được sự đa dạng sinh học giống như kỷ băng hà.

Với những con số khủng khiếp như vậy, không khó hiểu khi các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo, việc bảo tồn đa dạng sinh học ngay từ lúc này sẽ tốt hơn là tái phát triển trong tương lai.

Trong hơn 500 triệu năm trở lại đây, Trái Đất đã trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng và nếu con người vẫn thoải mái phá hủy hệ sinh thái và làm Trái Đất nóng lên, nguy cơ dẫn tới một cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu sẽ không còn xa. Nếu nó thực sự diễn ra, khả năng 3/4 số loài có thể biến mất vĩnh viễn là rất cao.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất