SeaOrbiter - “Trạm vũ trụ” dưới đáy đại dương
SeaOrbiter (sự kết hợp một con cá ngựa với tàu vũ trụ Enterprise nổi tiếng trong siêu phẩm Star Trek), chiếc tàu hoạt động dưới nước có chiều thẳng đứng đầu tiên của thế giới, đồng thời là phương tiện cho phép nhân loại nghiên cứu đại dương tốt hơn.
Jacques Rougerie, nhà thiết kế tàu biển trứ danh của Pháp, là người đam mê sông nước, biển cả. Chiếc xe hơi của ông có khả năng đi trên đường lẫn dưới nước. Nhà cũng như văn phòng của Rougerie đặt trên một con tàu và bản thân ông từng có thời gian sống dưới đáy biển suốt 70 ngày.
“Chỉ trong vòng 50 năm trở lại đây, chúng ta mới phát hiện rằng dưới nước cũng có 4 mùa, có sa mạc, rừng và cả hệ động vật phong phú. Thực phẩm và thuốc men trong tương lai sẽ tới từ đại dương. Giờ chúng ta đang bắt đầu nhận ra rằng đại dương có một vai trò lớn trong sự cân bằng của hành tinh này” - Rougerie nói.
Tình yêu biển cả và ham muốn khám phá những bí ẩn dưới đại dương đã thúc đẩy Rougerie cho ra đời SeaOrbiter, chiếc tàu hoạt động dưới nước thẳng đứng đầu tiên của thế giới, với chiều cao lớn hơn chiều dài.
Mặc dù có hình dáng của một con tàu vũ trụ, SeaOrbiter thực tế lại là một hệ thống nổi với khả năng trôi theo các dòng thủy triều hoặc đứng yên tại chỗ nhờ các động cơ điện trên tàu.
Con tàu này cao hơn 51m, dài 10,35m và rộng 16,12m, phần lớn nhất của tàu với chiều cao hơn 31m hoàn toàn chìm dưới nước. Khi hạ thủy, con tàu này chỉ nhô lên mặt nước khoảng 20m.
Hình dáng và ý tưởng của con tàu khiến người ta nhớ tới chiếc Nautilus trong cuốn "20 vạn dặm dưới đáy biển". Rougerie cũng thừa nhận ông đã lấy ý tưởng từ tác phẩm trứ danh của Jules Verne. Nhưng mục tiêu của con tàu này không phải để chống lại nhân loại.
“Hiện tại, các nhà hải dương học chỉ có thể lặn xuống biển trong một khoảng thời gian ngắn trước khi người ta phải kéo họ lên bờ. Việc này giống như họ được đưa tới nghiên cứu ở rừng Amazone rồi sau vài tiếng lại phải lên trực thăng đi đâu đó xả hơi vậy” - ông nói.
Khi ở dưới nước, tàu có chứa các thiết bị cân bằng, những khoang dự trữ nhiên liệu và nước ngọt. Ở dưới đáy có hai ăngten để quan sát biển cả. Tàu gồm 8 tầng, 5 nằm dưới nước. Hai tầng nằm gần đáy biển nhất sẽ được thiết kế để trở thành các phòng có sức ép không khí ngang bằng với áp lực nước ở bên ngoài.
Thợ lặn có thể sống ở đây và luôn sẵn sàng chui ra ngoài biển để làm việc hoặc trở vào tàu ngay lập tức mà không cần qua xử lý tăng giảm áp suất, một việc vốn phải thực hiện trong hoạt động lặn thông thường để tránh tình trạng mất cân bằng cơ thể.
Phía trên hai tầng này sẽ có một nhóm quan sát đáy đại dương và tiến hành các nghiên cứu về môi trường biển, hệ sinh thái biển, sự đa dạng sinh học, nguồn cá.
Các tầng thuộc phần nổi của SeaOrbiter sẽ dành để nghiên cứu sự thay đổi về nước, khí hậu, mối quan hệ giữa tình trạng trái đất ấm lên và đại dương... 18 người có thể sống cùng lúc trong thế giới khép kín này, bao gồm 8 thợ lặn chuyên nghiệp ở khu vực đáy tàu.
Một số đơn vị như các Cơ quan Hàng không - Vũ trụ của Mỹ (NASA) và châu Âu (ESA) đã bày tỏ sự quan tâm tới việc tham gia dự án SeaOrbiter. Họ muốn sử dụng con tàu này để làm nơi tập luyện cho các phi hành gia do môi trường nước mang tới những điều kiện giống như môi trường phi trọng lực.
Huấn luyện phi hành gia dưới nước không phải là một ý tưởng mới. NASA có một trung tâm tập huấn nằm ngoài khơi Florida và Scott Carpenter, một trong những phi hành gia đầu tiên của Mỹ, hiện đang thuộc nhóm nghiên cứu SeaOrbiter. Carpenter cũng là một trong những phi hành gia đầu tiên đề xuất ý tưởng huấn luyện dưới nước hồi năm 1964.
Rougerie cho biết, ông rất tin tưởng vào khả năng con tàu sẽ được đóng thành công: “Cách đây một năm, khả năng là 50/50. Nhưng giờ đây, tôi tin nó có 90% khả năng thành hiện thực”.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy từng nhắc tới dự án này trong một bài phát biểu quan trọng về biển hồi hè năm nay và nhận được sự ủng hộ của công ty đóng tàu DCNS cũng như tập đoàn điện tử quốc phòng Thales.
Hiện dự án đóng SeaOrbiter vẫn đang tiến triển tốt. Một mô hình đã được thử nghiệm tại trung tâm Marintek, Na Uy, để đảm bảo nó có thể chống chọi với sóng lớn.
Đội nghiên cứu đang tìm thêm các đối tác công nghiệp để chi trả khoản phí lên tới 35 triệu euro dành cho hoạt động đóng SeaOrbiter, song họ đã lên kế hoạch hạ thủy con tàu trong năm 2011, trước tiên là ở Địa Trung Hải.
Nhiệm vụ đầu tiên của SeaOrbiter, dự kiến diễn ra năm 2012, sẽ là “lang thang” theo dòng hải lưu Gulf Stream, giống như Jacques Piccard đã làm 40 năm về trước./.