Sequoia – “Nhân chứng” sống lâu nhất trên hành tinh

Cách đây hơn 4.000 năm, tại đất nước Ai Cập, các pharaon đang xây các Kim tự tháp thì tại vùng đất ẩm ướt ở California nảy mầm những hạt giống sequoia đầu tiên. Cây lớn lên, phát triển… tới 2.000 năm sau, khi đế chế La Mã đến hồi cực thịnh, sequoia đã trở thành loài cây khổng lồ - gần như vĩnh cửu.

Nhiều thế kỷ, rồi nhiều thiên niên kỷ trôi qua… thiên nhiên thay đổi bộ mặt của mình, nhưng loài cây bất tử này vẫn đứng vững, bất chấp những luồng gió thô bạo của Thái Bình Dương. Sequoia - vị sứ giả tiêu biểu của loài cây họ thông; đồng thời cũng là một “nhân chứng” sống lâu nhất trên hành tinh chúng ta.

Những du khách tới thăm khu Công viên Bảo tồn quốc gia ở California luôn sửng sốt trước chiều cao trung bình tới… 98m của sequoia. Vòng gốc còn đáng kinh ngạc hơn nữa: ngay cả tới… 12 người nối vòng tay nhau vẫn chưa ôm xuể!

Loại sequoia này được giới thực vật học Hoa Kỳ đặt tên là General Sherman (Tướng quân Sherman), dựa theo tên viên tướng huyền thoại trong cuộc nội chiến Bắc - Nam (1861-1865) và nặng đến… 2.000 tấn. Số gỗ của nó xẻ ra đủ làm 40 ngôi nhà 5 gian rộng rãi rặt những bộ vì kèo đồ sộ. General Sherman có thể to và cao hơn nữa, nếu như không bị sét đánh cụt ngọn gây cháy xém toàn thân. Hiện chỉ khoảng 40% thành phần thân cây còn sống.

Còn General Sherman tree là một trong nhiều nghìn cây tương tự khác thuộc cánh rừng sequoia bạt ngàn ven bờ Thái Bình Dương lộng gió trong vùng Bắc Mỹ, bao gồm 2 họ chính dựa vào tán lá xanh hoặc đỏ. Tên gọi loài sequoia là từ tộc người Cherokee - một trong những bộ lạc da đỏ văn minh nhất. Sequoia chính là tên của người đã sáng lập ra thứ văn tự của họ: thứ tự dạng có 86 hình, mỗi hình tương tự một âm ngữ. Nhờ sequoia mà thổ dân Cherokee đọc và viết được.

Sequoia khổng lồ có chiều cao từ 70-120m cùng bán kính dày tới 9m, sống đến 3.000 - 4.000 năm tuổi. Quê hương của chúng là các sườn núi phía tây vùng Sierra Nevada, trên bình độ từ 1.400-2.700m so với mực nước biển. Với những tán lá dày đến nỗi trong những ngày oi ả nhất của vùng nhiệt đới California, vẫn tạo được độ ẩm tối cần thiết cho thân cành, tạo điều kiện thích hợp với cuộc sống trường sinh cùng màu lá đỏ thẫm vĩnh cửu. Còn loại sequoia lá xanh thường phát triển ở những độ cao thấp hơn, có nhiều trong các vùng phía nam tiểu bang Oregon và California ở Mỹ.

Sequoia được khoa học hiện đại phát hiện vào năm 1885 bởi nhà thực vật học lỗi lạc người Anh William Lobe trong khu rừng nguyên sinh khổng lồ ở Vera Cruz thuộc California. Từ 90 cây hồi đó, bây giờ chỉ độ 30 cây còn sống. Cây "trưởng họ" cao tới 140m cùng đường kính 35m (đã bị bão quật đổ). Tại Công viên quốc gia ở California có chỗ người ta còn làm đường lộ xuyên qua một gốc sequoia nữa…

Tại sao loài sequoia đạt được sức sống kỷ lục cao như vậy? Điều bí mật nằm trong bộ rễ khổng lồ cùng cấu tạo thân cành của chúng. Do chứa nhiều lượng kháng thể nên sequoia có khả năng chống lại sự hủy hoại khắc nghiệt của thiên nhiên lẫn thời gian, với bộ rễ sâu cứng bảo đảm cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào, khiến thân không bị nấm mốc. Các nhánh rễ của sequoia dày 30cm, ngay cả loài thú đói cũng không dám gặm, đó cũng là một nguyên nhân làm cây tăng tuổi thọ.

Thậm chí, General Sherman tuy đang hỏng nặng sau 4000 năm tuổi, vẫn phát triển sung sức: cứ sau hai năm lại rụng thêm một đợt hạt mới - với kích thước bằng đồng xu nhỏ - để duy trì nòi giống.

Sequoia quả đúng là một “nhân chứng” sống trường tồn với thời gian. Chúng mang rất nhiều ý nghĩa về mặt thực vật học, cũng như giúp giới chuyên môn nghiên cứu về các hợp chất đã giúp tạo nên sự trường sinh bất tử ấy.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất