Siegfried Marcus - Nhà phát minh xe hơi bị lãng quên
Chiếc xe hơi đầu tiên sử dụng động cơ xăng được chế tạo bởi nhà phát minh người Áo Siegfried Marcus vào năm 1875 nhưng ông thường không được nhắc tới.
Một cái tên thường bị bỏ qua khi nhắc tới lịch sử ngành xe hơi là Siegfried Marcus, nhà phát minh người Áo từng chế tạo và vận hành phương tiện đường bộ hoạt động nhờ động cơ xăng 4 thì sớm hơn khoảng 10 - 15 năm trước khi Gottlieb Daimler, Wilhelm Maybach, và Carl Benz đưa những cỗ xe tiện ích vào hoạt động. Trong khi bộ ba thường được coi như nhà tiên phong trong ngành xe hơi, đóng góp của Marcus xứng đáng ghi nhận không kém, theo Amusing Planet.
Cỗ xe thứ hai của Siegfried Marcus ở Bảo tàng kỹ thuật Vienne. (Ảnh: Wikipedia).
Siegfried Marcus sinh ngày 18/9/1833 trong một gia đình Do Thái ở Malchin, ngày nay nằm ở tây bắc Berlin, Đức. Ở tuổi 12, ông bắt đầu làm việc như thợ máy tập sự. 5 năm sau, ông gia nhập một công ty kỹ thuật sản xuất đường dây điện thoại. Khi 19 tuổi, Murcus chuyển tới Vienna, thủ đô của vương quốc Áo, và bắt đầu làm việc ở vị trí kỹ thuật viên tại Viện thể chất y học. Sau đó, ông trở thành trợ lý của nhà sinh lý học là giáo sư Carl Ludwig. Năm 1860, ông bắt đầu kinh doanh riêng, mở một nhà máy sản xuất thiết bị điện và cơ khí và điều hành tới cuối đời. Tài phát minh của Marcus giúp ông sở hữu 131 bằng sáng chế ở 16 nước.
Vào khoảng năm 1860, Marcus bắt tay vào chế tạo phương tiện tự đẩy đầu tiên. Vào thời gian đó, các vùng của Áo, ngày nay thuộc Ba Lan, bắt đầu sản xuất dầu mỏ. Quá trình lọc dầu cung cấp kerosene, dầu nhớt và phụ phẩm là xăng. Marcus thí nghiệm với xăng và phát hiện khi phân tán trong không khí, xăng có thể bắt lửa, tạo ra năng lượng nổ. Đột phá này dẫn tới bộ chế hòa khí đầu tiên trên thế giới mà Marcus xin cấp bằng sáng chế vào năm 1864.
Đối với cỗ xe đầu tiên, Marcus lắp một động cơ đốt trong hai thì, sử dụng xăng làm nhiên liệu vào xe kéo 4 bánh thô sơ, nối với bánh sau. Cỗ xe cần khởi động bằng cách nâng hai bánh sau lên khỏi mặt đất và xoay tròn bằng tay. Khi sẵn sàng lăn, phương tiện được hạ xuống và để tự chạy. Marcus đã tháo dỡ cỗ xe này bởi nó quá cồng kềnh và tập trung sức lực vào tinh chỉnh thiết kế. Cỗ xe thứ hai ra đời vào năm 1875 rất đáng chú ý, trang bị động cơ xăng 4 thì, bộ chế hòa khí mới và hệ thống đánh lửa cơ bằng tia lửa điện. Phương tiện có thể đạt tốc độ tối đa 16 km/h.
Marcus nhiều khả năng cũng chế tạo cỗ xe thứ 3 và thứ 4. Những phiên bản sau đó được nâng cấp, tích hợp cơ cấu lái, phanh, li hợp và nhiều trang bị cần thiết khác. Tuy nhiên, chúng không tồn tại tới ngày nay. Chỉ có cỗ xe thứ hai vẫn nguyên vẹn, được bảo quản dưới quyền sở hữu của Câu lạc bộ xe hơi Áo và trưng bày ở Bảo tàng kỹ thuật Vienne.
Năm 1898, Marcus qua đời. Là một người Do Thái, Marcus trở thành nạn nhân dưới định hướng tuyên truyền của Đức Quốc xã. Những phát minh của ông bị phá hủy, tên tuổi của ông bị xóa bỏ khỏi sách vở giáo dục và các đài tưởng niệm công cộng về ông bị tháo dỡ. Tháng 7/1940, Bộ tuyên truyền Đức gửi thư cho ban giám đốc tập đoàn Daimler - Benz - A.G. ở Stuttgar nhằm thông báo với họ nhà xuất bản hai cuốn bách khoa toàn thư Meyers Lexikon và Grosse Brockhaus được chỉ đạo xóa tên của Siegfried Marcus, thay bằng Gottlieb Damiler và Carl Benz trong vai trò nhà phát minh xe hơi.
Đức Quốc xã cũng ra lệnh phá hủy chiếc xe của Marcus triển lãm ở Câu lạc bộ xe hơi Vienne. May mắn là một số thành viên của Bảo tàng thương mại và công nghiệp Vienne đã dự đoán trước và giấu chiếc xe phía sau một bức tường ở tầng hầm bảo tàng. Nhờ đó, chiếc xe được bảo vệ an toàn cùng với một số ghi chép về phát minh.
- Những nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh xe hơi
- Xe hơi của tương lai? Hãng BMW chế tạo xe hơi làm từ vải
- Iran phát minh ra động cơ xe hơi chạy bằng nước lã