Sinh viên Việt Nam 'ngán' đề thi Robocon 2009

Hạn chế đối kháng trực tiếp và đòi hỏi giải các bài toán kỹ thuật khó, đề thi Robocon năm 2009 khiến sinh viên Việt Nam bộc lộ điểm yếu.

Đề thi Robocon năm 2009 lấy cảm hứng từ phong tục rước kiệu (Kago) của Nhật Bản. Theo đó, một cặp robot điều khiển bằng tay sẽ "khênh" robot tự động qua một số chướng ngại vật đến đích là nơi đặt trống. Tại đó, robot trên kiệu sẽ được thả xuống, tiến gần trống và gõ ba tiếng báo hiệu chiến thắng.



Tuy nhiên, so với đề thi những năm trước, việc chia sân thi đấu thành hai phần riêng biệt đã hạn chế sự can thiệp lẫn nhau giữa các đội. Vô hình trung, đề thi mới gạt bỏ những ý nghĩ sử dụng robot cản phá trong cuộc thi, thế mạnh của các đội tuyển robocon của Việt Nam những năm thi đấu trước đây. 


Đỗ Duy Phương, thành viên đội VJC, ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: "Sàn thi đấu được ngăn đôi bởi một tấm gỗ nhỏ do đó, hai bên khó có thể can thiệp được lẫn nhau, cùng lắm là ở vị trí đánh trống với điều kiện cả hai robot cùng đến đích một lúc".

"Điều này sẽ hướng các đội chơi tìm kiếm chiến thắng bằng trình độ kỹ thuật hơn là những chiến thuật"
, Thầy Trần Xuân Thủy, chỉ đạo viên của Học viện Phòng quân - Không quân nhận xét.



Nhận xét về đề thi năm 2009, tiến sĩ Phan Xuân Minh, Bộ môn Điều khiển Tự động, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng đề thi năm nay gây khó hơn cho sinh viên. "Kết quả vòng thi thử ở ĐH Bách Khoa HN năm nay không có đội nào giành điểm tuyệt đối, trong khi mọi năm ít nhất phải có từ hai đến ba đội", tiến sĩ Minh nói. 


Tiến sĩ Minh nhận xét thêm, đề thi Robocon 2009 đòi hỏi các đội phải kết hợp uyển chuyển giữa robot tự động và robot điều khiển bằng tay và giải tốt bài toán thiết lập chế độ cân bằng động cho robot. Tức là, khi các robot điều khiển "cõng" robot tự động phải đảm bảo robot tự động không bị "lăn" khỏi "kiệu". "Cái khó của đề thi năm nay đòi hỏi sinh viên phải tính toán kết cấu cơ khí nhiều hơn và đây chính là điểm yếu của sinh viên Việt Nam", tiến sĩ Minh nhận định. 


Ngoài yếu tố cơ khí, tiến sĩ Minh cho rằng, để đảm bảo chiến thắng các đội chơi cần chú ý tới việc điều chế độ rộng xung điều khiển (PWM) cho các động cơ di chuyển của robot, tránh tình trạng "giật cục" mỗi lần người chơi ra một lệnh di chuyển. 


Tham gia thử sân thi đấu, tại Nhà thi đấu Hồ Tây, Hà Nội, Nguyễn Văn Tuấn, đội trưởng đội Robocon trường Công nghiệp Sao Đỏ, Hải Dương cho biết, việc điều khiển robot gần như phải dựa vào... sự khéo léo của đôi tay. "Tuy biết là có thể nâng cao khả năng tự cân bằng và di chuyển êm dịu của robot bằng kỹ thuật điều khiển mềm nhưng vì thời gian gấp và... khó quá nên đội quyết định vẫn dùng phương án điều khiển "cứng" như mọi năm, chấp nhận hiện tượng giật cục", Tuấn cho biết.

Gặp đề thi khó nhưng Tuấn không tỏ ý "ngán" các đội tuyển khác. Qua quan sát robot của các đội tuyển đến thử sân, Tuấn nhận xét: Hầu hết các robot khênh kiệu (có vai trò quan trọng nhất trong di chuyển) đều na ná nhau về cơ cấu điều khiển, sự khác biệt, có chăng nằm ở cơ cấu đánh trống của các robot tự động.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất