Số trẻ khuyết tật Trung Quốc tăng vì ô nhiễm
Cứ 30 giây Trung Quốc có một trẻ sơ sinh chào đời với dị tật trên cơ thể. Theo Ủy ban dân số và Kế hoạch hóa gia đình nước này, sự xuống cấp của môi trường là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên.
Số lượng trẻ sơ sinh bị khuyết tật tại quốc gia đông dân nhất thế giới lên tới 1,1 triệu mỗi năm, chiếm khoảng 7% tổng số trẻ sơ sinh. "Số lượng trẻ khuyết tật liên tục tăng tại các khu vực đô thị lẫn nông thôn", Jiang Fan, phó chủ tịch Ủy ban dân số và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho biết.
Trong khi đó Hu Yali, một giáo sư tại bệnh viện trực thuộc Đại học Nam Kinh, cho rằng tình trạng dị dạng ở trẻ sơ sinh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân phức tạp. Theo bà, ô nhiễm môi trường gây nên khoảng 10% số trường hợp dị dạng, trong khi 25-30% số ca liên quan tới gene, phần còn lại do sự kết hợp của cả hai yếu tố.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tại nhiều vùng, chất thải hóa chất là nhân tố chính tác động tới sức khỏe của phụ nữ mang thai và con của họ", Hu tuyên bố.
Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho biết, Sơn Tây - trung tâm của ngành khai thác than đá - có tỷ lệ trẻ sơ sinh bị khuyết tật cao nhất cả nước. Bầu không khí ở đây luôn dày đặc khói và muội đen từ các mỏ khai thác than, còn đất và các nguồn nước bị nhiễm độc bởi hóa chất.
"Hiện tượng khuyết tật bẩm sinh ở trẻ liên quan tới ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở 8 vùng khai thác than đá chính", An Huanxiao, giám đốc Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn Tây, phát biểu.
Nhiều nhà khoa học cũng khẳng định sự xuống cấp của môi trường làm tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh bị khuyết tật. Một nghiên cứu do Đại học Yale (Mỹ) tiến hành cho thấy, nếu thai phụ tiếp xúc với không khí "bẩn" (có nhiều CO, NO2 và một số chất khí vô cơ khác), nguy cơ sinh con nhẹ cân hơn mức tiêu chuẩn sẽ tăng.
Theo một nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ), việc thai phụ tiếp xúc với các khí thải từ động cơ đốt trong có thể gây nên những đột biến về nhiễm sắc thể trong các mô của bào thai, từ đó dẫn tới các khuyết tật. Giới nghiên cứu Trung Quốc thì cảnh báo tỷ lệ trẻ sơ sinh khuyết tật ngày càng tăng sẽ sớm trở thành một vấn đề xã hội.
Pan Jianping, giáo sư Đại học Xi'an Jiaotong nhận định: "Tình trạng trên sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống. Áp lực kinh tế sẽ hết sức nặng nề đối với những gia đình có trẻ khuyết tật, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Ngoài ra, các gia đình này còn phải chịu thương tổn tâm lý vì một số định kiến của cộng đồng đối với trẻ khuyết tật".