So với các ngọn núi trên sao Hỏa, ngọn núi cao nhất trên Trái đất chỉ là "tép riu", tại sao lại như vậy?

Đỉnh núi cao nhất trên Trái đất là đỉnh Everest, và đỉnh cao nhất trên sao Hỏa là đỉnh Olympus. Tuy nhiên khi so sánh với các ngọn núi khác của sao Hỏa thì các ngọn núi trên Trái đất chỉ là loại "tép riu".

Đỉnh Chomolungma hay Everest, là đỉnh chính của dãy Himalaya, nằm trên biên giới giữa Trung Quốc và Nepal. Đỉnh Everest không chỉ là đỉnh cao nhất ở Trung Quốc, mà còn là đỉnh cao nhất thế giới, với độ cao 8848,86 mét. Toàn bộ ngọn núi Everest có hình dạng như một kim tự tháp khổng lồ và hùng vĩ với địa hình dốc đứng, đường tuyết phủ quanh năm.

Với "Chomo" trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là nữ thần, "lungma" có nghĩa là mẹ. Đỉnh Everest không chỉ là ngọn núi thánh ở Trung Quốc, mà còn được mệnh danh là ngọn núi thánh trên thế giới.


Đỉnh Everest là đỉnh núi cao nhất trên Trái đất.

Đỉnh Everest là đỉnh núi cao nhất trên Trái đất so với mực nước biển, tính đến thời điểm hiện tại là 8848,86 mét, nó đã giảm độ cao 2,4 cm sau trận động đất tại Nepal ngày 25/04/2015 và đã dịch chuyển 3 cm về phía tây nam. Đường biên giới giữa Nepal và Trung Quốc chạy qua đỉnh Everest.

Trên hành tinh của chúng ta có hơn 40 đỉnh núi cao trên 7.000 mét so với mực nước biển, và đỉnh Everest được mệnh danh là đỉnh núi cao nhất của các đỉnh núi cao nhất. Ngoài ra còn có một số ngọn núi nổi tiếng thế giới khác giống với đỉnh Everest, chẳng hạn như Lhotse, đỉnh cao thứ tư trên thế giới, ở độ cao 8.501 mét so với mực nước biển; Đỉnh Makalu, đỉnh cao thứ năm trên thế giới, ở độ cao 8.470 mét so với mực nước biển; Cho Oyu cao 8.153 mét trên mực nước biển; xa hơn về phía tây là Shishapangma, đứng cuối cùng trong số 14 đỉnh cao trên 8.000 mét, ở độ cao 8.012 mét so với mực nước biển.

Vì vậy, những đỉnh núi xung quanh đỉnh Everest luôn được coi là nơi tốt nhất để con người thử thách bản thân với việc leo núi khắc nghiệt. Vì đỉnh Everest là đỉnh cao nhất, nên không khí trên đỉnh rất loãng, lạnh và khí hậu vô cùng khắc nghiệt, do đó nó cũng là nơi cao nhất để con người thử thách giới hạn leo trèo.

Mãi đến ngày 29/5/1953, con người mới lần đầu leo lên đỉnh Everest thành công, đó là vận động viên người New Zealand Edmund Hillary và hướng dẫn viên người Nepal Tenzing Norgay. Tuy nhiên đỉnh Everest vẫn chưa là gì khi so sánh với đỉnh núi cao nhất trên sao Hỏa.

Đỉnh Olympus

Đỉnh Olympus, là một ngọn núi lửa hình khiên trên sao Hỏa. Núi lửa hình khiên là một núi lửa lớn với bề mặt trên rộng và độ dốc thoải, giống như một chiếc khiên. Những ngọn núi lửa có hình dạng này cũng tồn tại với số lượng lớn trên Trái đất, ví dụ như Đảo lớn Hawaii là một ngọn núi lửa hình khiên điển hình với diện tích 10.414 km vuông, độ cao khoảng 4.000 mét.


Đỉnh Olympus trên sao Hỏa (trái) và đỉnh Everest trên Trái đất (phải).

Và hiện nay ngọn núi lửa hình khiên lớn nhất trên Trái đất được coi là "Puha Hulu", là một ngọn núi lửa ẩn mình dưới làn nước xanh của các hòn đảo phía tây bắc Hawaii, dài 275 km, rộng 90 km, nhưng chỉ cao 52 mét.

Tuy nhiên, đỉnh Olympus trên sao Hỏa lại lớn hơn nhiều so với những ngọn núi lửa hình khiên trên Trái đất. Ngọn núi này nằm ở 18,65 độ vĩ Bắc và 226,2 độ kinh Đông trên sao Hỏa. Nó rộng khoảng 600 km và có diện tích khoảng 300.000 km vuông. Và cao độ cơ sở của sao Hỏa (sao Hỏa không có mực nước biển, do đó cao độ cơ bản được tính tương đương với độ cao của Trái đất) đến đỉnh núi là 21.171 mét, và độ cao từ chân núi đến đỉnh núi đạt 21,9 km, cao hơn 27 km so với vùng đồng bằng cách nó 1.000 km về phía tây bắc.


Sự đồ sộ và lộng lẫy của đỉnh Olympus vẫn được coi là độc nhất vô nhị trong Hệ Mặt trời

Nếu hệ quy chiếu trắc địa (datum) của sao Hỏa bằng với mực nước biển của Trái đất chúng ta, thì chiều cao của đỉnh Olympus gần gấp 2,4 lần đỉnh Everest của Trái đất! Miệng núi lửa của ngọn núi lửa hình khiên này bao gồm 6 hố sụp đổ chồng lên nhau, với chiều dài và chiều rộng là 80 x 60 km.

Cho đến nay, sự đồ sộ và lộng lẫy của đỉnh Olympus vẫn được coi là độc nhất vô nhị trong Hệ Mặt trời, và chưa từng có hành tinh nào được tìm thấy có một ngọn núi lớn như vậy. Bởi vì kích thước khổng lồ của nó, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy hình ảnh đầy đủ của nó từ bề mặt sao Hỏa.

Áp suất trên sao Hỏa vốn dĩ rất thấp, chỉ bằng khoảng 0,75% áp suất khí quyển trên Trái đất, và khi lên đến đỉnh Olympus, áp suất tại đó chỉ bằng 8% so với mức cơ bản của sao Hỏa; trên đỉnh Everest, áp suất khí quyển là 33%. Do đó, có thể thấy rằng môi trường của đỉnh Olympus sẽ tồi tệ và khắc nghiệt hơn rất nhiều so với đỉnh Everest.

Tại sao những ngọn núi trên sao Hỏa cao hơn và lớn hơn những ngọn núi trên Trái đất?

Để tìm ra điều này, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu một vài dữ liệu cơ bản về Trái đất và sao Hỏa:

Khối lượng của Trái đất vào khoảng 5,972 x 10 ^ 24kg, bán kính khoảng 6.371km và gia tốc trọng trường trên bề mặt Trái đất là 9,82 m/s ^ 2; khối lượng của sao Hỏa vào khoảng 6,417 x 10 ^ 23kg, bán kính khoảng 3.390km, và gia tốc trọng trường trên bề mặt sao Hỏa là 3,73 m/s ^ 2. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng khối lượng của Trái đất gấp 9,3 lần khối lượng của sao Hỏa, và trọng trường hấp dẫn gấp khoảng 2,63 lần so với sao Hỏa.


Lý do chính khiến các ngọn núi trên sao Hỏa cao hơn Trái đất là do lực hấp dẫn.

Điều đó có nghĩa là, khối lượng của sao Hỏa chỉ bằng 1/9,3 khối lượng của Trái đất, và lực hấp dẫn của nó chỉ bằng 38% của Trái đất.

Dựa trên những dữ liệu này, chúng ta có thể suy ra rằng lý do chính khiến các ngọn núi trên sao Hỏa cao hơn Trái đất là do lực hấp dẫn. Trong quá trình nghiên cứu tất cả các thiên thể, người ta nhận thấy rằng thiên thể càng có khối lượng lớn, thì sẽ càng gần với hình dạng của một hình cầu hoàn hảo, và ngược lại, do đó các tiểu hành tinh càng nhỏ thì càng có hình dạng kỳ lạ.

Lực hút của Trái đất mạnh hơn lực hút của sao Hỏa nên núi khó có thể mọc lên rất cao. Các nhà khoa học cho rằng với các điều kiện thực tế của Trái đất các đỉnh núi hoàn toàn có thể đạt đến độ cao hơn 15.000 mét, nhưng khi lên đến độ cao này chúng sẽ sụp đổ do không chịu được áp lực của trọng lực. Ngoài ra, bầu khí quyển của Trái đất dày, dòng chảy trong khí quyển đã hình thành nên những loại khí hậu phức tạp, gió, sương giá, mưa và tuyết đã tấn công và phong hóa hàng trăm triệu năm, điều này cũng khiến cho các ngọn núi trên Trái đất không thể cao lớn như sao Hỏa.

Nghiên cứu cho rằng đỉnh Everest được hình thành do sự va chạm và đẩy ra của các mảng kiến tạo. Nó cao hơn 10.000 mét vào 13 triệu năm trước, nhưng cuối cùng nó đã sụp đổ vì không chịu được tác động của trọng lực, thời tiết, và dần trở thành như bây giờ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất