Số vụ cá mập tấn công người năm 2010 cao kỷ lục
Số vụ cá mập tấn công người trên khắp thế giới năm 2010 tăng cao nhất trong cả thập kỷ qua. Việt Nam và Ai Cập ghi nhận số vụ cá mập tấn công người cao bất thường, chuyên gia quản lý hồ sơ cá mập tấn công người trên toàn thế giới, cho biết.
Theo chuyên gia George Burgess ở ĐH Forida, tổng số vụ cá mập tấn công người năm 2010 là 79, cao hơn con số 63 của năm 2009. Đó cũng là mức cao nhất kể từ năm 2000.
Trong những năm gần đây, khu vực biển Bắc Mỹ xảy ra nhiều vụ tấn công nhất, với 32 vụ, chiếm 42% tổng số vụ. Bang Florida của Mỹ xảy ra nhiều nhất, với 13 vụ, dù đây là mức thấp nhất kể từ năm 2004.
Ngoài ra, 14 vụ cũng được ghi nhận ở Australia, 8 vụ ở Nam Phi, 6 vụ ở Việt Nam và 6 vụ ở Ai Cập. Bahamas, Brazil, Fiji, Madagascar, đảo Mascarene, đảo Solomon, đảo Canary, Tonga và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất cũng xảy ra trường hợp cá mập tấn công người.
Burgess không thể lý giải tại sao Việt Nam lại xảy ra nhiều vụ thế, nhưng ở Ai Cập, nguyên nhân là do số vụ đánh bắt xa bờ bất hợp pháp và hoạt động nuôi trồng thủy sản tăng đã thu hút cá mập đến những khu vực đó. Ngoài ra, nhiệt độ nước biển cao bất thường, khiến cá mập thường xuyên vào bờ hơn.
Trên phạm vi toàn thế giới, nguyên nhân số vụ tấn công tăng là do dân số thế giới tăng, và hoạt động trên biển của con người cũng ngày càng nhiều hơn, khiến khả năng bị cá mập cũng tăng.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu 115 trường hợp cá mập tấn công người (năm 2010) trên khắp thế giới, và thấy rằng 79 trường hợp trong số đó không xuất phát từ hành động khiêu khích nào đối với loài vật hung dữ này. Tấn công không do khiêu khích xảy ra khi con người đi vào môi trường sống tự nhiên của loài động vật ăn thịt này. Còn lại, 36 trường hợp khác có nguyên nhân phần lớn do con người tấn công cá mập trước.
Theo các chuyên gia, số vụ cá mập tấn công người không do khiêu khích tăng đều trong thập kỷ qua không có nghĩa là số vụ tấn công sẽ luôn theo chiều hướng tăng vì nó còn phụ thuộc vào yếu tố đại dương, khí tượng, xã hội và kinh tế, Burgess nói. Ví dụ, số lượng khách du lịch tắm biển giảm sau vụ khủng bố 11/9, hay sau những trận bão nhiệt đới dữ dội đổ bộ vào Mỹ.
Ngoài ra, mọi người ngày càng biết cách tránh tiếp xúc với cá mập, và số lượng cá mập cũng đang giảm do hoạt động đánh bắt cá trên toàn thế giới ngày càng tăng.
Nếu ai đó từng bị cá mập tấn công, các chuyên gia khuyên rằng, người đó nên tấn công lại nếu lại bị cá mập đe dọa, vì cá mập sợ kích thước và sức mạnh.
Khi tấn công cá mập, nên dùng vật cứng đánh vào mũi chúng để khiến chúng tạm thời không thể tấn công người, rồi sau đó nên tìm cách lên bờ càng sớm càng tốt vì cú đánh vào mũi chỉ khiến cá mập yếu tạm thời. Khi đã bị tấn mập cắn thì nên đánh vào mắt và mang chúng vì đó là những bộ phận nhạy cảm.