Sỏi bàng quang có thể gây suy thận

Các triệu chứng của sỏi bàng quang dễ bị nhầm lẫn với u xơ tiền liệt tuyến, u bàng quang. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, sỏi bàng quang dễ dẫn đến các biến chứng như viêm thận ngược dòng, suy thận...

Sỏi bàng quang là chứng bệnh thường gặp ở người trưởng thành, chiếm khoảng 1/3 các trường hợp có sỏi ở hệ tiết niệu. Bệnh gặp ở cả nam và nữ, nhưng nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn.

Trong trường hợp sỏi nhỏ, chưa viêm bàng quang, chưa có bít tắc đường niệu thì hầu như không có biểu hiện gì đặc biệt. Nhiều người tình cờ phát hiện ra bệnh khi chụp X-quang bụng, xương chậu vì một bệnh lý khác.

Sỏi to sẽ gây kích thích, chèn ép, bít tắc chỗ nối bàng quang và niệu đạo, làm cho bệnh nhân bị đau buốt vùng hạ vị, lan dần ra phía đầu bộ phận sinh dục hoặc tầng sinh môn, cơn đau trội lên về cuối bãi tiểu tiện. Bệnh nhân nam phải thường bóp chặt lấy đầu dương vật để đỡ đau. Nhiều người còn bị tiểu rắt, tiểu khó, bí tiểu ngắt quãng từng đợt trong một lần đi tiểu. Thậm chí một số trường hợp bí tiểu hoàn toàn làm nước tiểu ứ lại trong bàng quang, bàng quang căng phồng lên tạo nên “cầu bàng quang” ở trên xương mu.

Khi bị viêm nhiễm bàng quang do sỏi, bệnh nhân sẽ bị tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đục, tiểu ra máu, đặc biệt là cuối bãi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến biến chứng viêm bàng quang cấp, mạn tính, teo bàng quang, rò bàng quang, làm nước tiểu chảy vào tầng sinh môn hoặc âm đạo, nước tiểu chảy ri rỉ qua âm đạo hoặc hậu môn gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt và lâu ngày gây nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó còn hai biến chứng rất nguy hiểm khác là viêm thận do nhiễm khuẩn ngược dòng và suy thận. Hai biến chứng này điều trị tốn kém và rất nguy hiểm cho tính mạng.

Các triệu chứng của sỏi bàng quang có nhiều đặc điểm lâm sàng dễ nhầm lẫn với các bệnh như u xơ tiền liệt tuyến, u bàng quang. Chính vì thế, để chẩn đoán chính xác bệnh và phòng các biến chứng, khi thấy xuất hiện những dấu hiệu của bệnh như đã kể trên, phải đi khám ngay ở các chuyên khoa tiết niệu.

Bệnh sỏi bàng quang do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể là sỏi từ thận và niệu quản rơi xuống, là sỏi nhỏ bệnh nhân có thể thải ra ngoài được theo nước tiểu nhưng là sỏi lớn sẽ bị tắc lại, lâu ngày sẽ to dần lên do bị các cặn sỏi tiếp tục bám vào. Cũng có thể sỏi bàng quang hình thành do quá trình người bệnh sử dụng thuốc điều trị các bệnh khác có nhiều chất làm kết tủa, lắng đọng gây ra sỏi. Một số trường hợp lại do các bệnh gây chít tắc cổ bàng quang như u xơ tiền liệt tuyến, chít hẹp niệu đạo, túi thừa bàng quang hoặc do có dị vật trong bàng quang, từ các dị vật đó cặn sỏi dần dần bám vào tích tụ thành sỏi.

Để phòng bệnh, hằng ngày cần uống đủ 1,5 lít nước. Những người đang điều trị bệnh nội khoa phải sử dụng thuốc càng phải lưu ý uống nhiều nước, tránh cho quá trình tích lũy cặn sỏi gây ra sỏi (tránh cả sỏi thận và sỏi bàng quang). Khi bị sỏi và nhiễm khuẩn bàng quang, bệnh nhân phải chú ý vệ sinh sạch sẽ đường tiểu, sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Tùy từng mức độ của sỏi, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hay mổ nội soi. Hiện nay các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương đều có thể xử trí sỏi bàng quang rất tốt. Người bệnh cần được phát hiện bệnh sớm để có kết quả điều trị tốt, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.

BS. Nguyễn Trung Dũng

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất