Sông lửa xuất hiện tại Hawaii

Dung nham đang phun lên tới 20 m trên núi lửa Kilauea ở Hawaii rồi tạo thành sông lửa.


Dung nham từ bên trong núi lửa vọt lên độ cao tới 20 m. Ảnh: AP.

AP dẫn lời Trạm quan sát núi lửa Hawaii cho hay, các nhà khoa học của trạm nhìn thấy dung nham phun trào ngay sau khi một vùng trong miệng Pu'u O'o của núi lửa Kilauea sụp xuống vào khoảng 17h hôm 5/3.

Đó là những khoảnh khắc mà chúng tôi đang chờ đợi. Ngắm núi lửa phun trào từ những giây phút đầu tiên mang đến cảm giác rất phấn khích đối với những nhà nghiên cứu núi lửa”, Janet Babb, một chuyên gia về núi lửa làm việc tại trạm, phát biểu.

Babb nói với báo Hawaii Tribune-Herald rằng, chiều dài khe nứt đã tăng lên 535 m song không có nhà dân nào có thể bị dung nham tấn công.

Các nhà khoa học cảnh báo, những khu vực gần khe nứt mới có thể phun lên hoặc sụp xuống bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho người dân. Ngoài ra sự tích tụ dày đặc của khí SO2 trong khu vực có bán kính khoảng 1.000 m xung quanh khe nứt cũng có thể gây tử vong cho người.

Dung nham chảy xuống chân núi rất nhanh hôm 5/3 song hôm qua, tốc độ đã giảm. Các thiết bị ghi nhận khoảng 150 cơn địa chấn trong lòng núi lửa hôm qua.

Kilauea, một trong những núi lửa hoạt động thường xuyên nhất thế giới, liên tục phun trào từ ngày 3/1/1983. Qua gần ba thập kỷ, nham thạch đã chôn vùi một khu vực có diện tích lên tới hàng trăm km2, tạo ra những bãi biển đen và một đường bờ biển luôn thay đổi. Nó cũng phá huỷ các ngôi nhà và tiêu diệt những ai tìm cách bén mảng tới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất