Sóng nhiệt đun nóng nước khiến cá hồi chết la liệt ở Alaska
Alaska đang trải qua đợt nắng gắt chưa từng thấy trong mùa hè năm nay, khiến cá hồi chết hàng loạt do không chịu nổi nước nóng.
Các nhà khoa học quan sát những vụ chết tập thể của một số loài cá hồi Alaska, bao gồm cá hồi đỏ, cá hồi chó và cá hồi hồng. Stephanie Quinn-Davidson, giám đốc Ủy ban ngư nghiệp Yukon, dẫn đoàn nghiên cứu trong chuyến thám hiểm dọc sông Koyokuk hồi cuối tháng 7 sau khi người dân địa phương báo cáo trông thấy cá chết nhiều trên suối.
Xác cá hồi hồng chết ở Alaska. (Ảnh: Anchorage Daily News).
Stephanie và các nhà khoa học khác đếm được 850 xác cá hồi còn nguyên trứng trong chuyến thám hiểm đó và ước tính tổng số cá chết lớn gấp 4 - 10 lần. Họ không tìm thấy dấu hiệu của thương tổn, ký sinh trùng hay bệnh truyền nhiễm. Gần như tất cả cá hồi họ tìm thấy đều chứa trứng. Do vụ chết hàng loạt xảy ra cùng lúc với đợt nắng nóng, nhóm nghiên cứu kết luận hơi nóng là nguyên nhân khiến cá chết. Stephanie cho biết cô chưa bao giờ bắt gặp cá hồi chết nhiều như vậy trong 8 năm nghiên cứu.
Nhiệt độ nước ở Alaska cũng phá vỡ kỷ lục như nhiệt độ không khí, theo Sue Mauger, giám đốc khoa học của tổ chức Cook Inletkeeper. Các nhà nghiên cứu theo dõi nhiệt độ nước suối quanh vịnh Cook nằm ở phía nam thành phố Anchorage từ năm 2002. Trước đây, họ chưa bao giờ đo được nhiệt độ cao hơn 24,4 độ C. Tuy nhiên, hôm 7/7, một dòng suối lớn tập trung nhiều cá hồi ở phía tây vịnh Cook đạt nhiệt độ lên tới 27,6 độ C. "Nhiệt độ năm 2019 vượt xa mức nhiệt chúng tôi dự đoán cho trường hợp xấu nhất vào năm 2069", Sue cho biết.
Theo Sue, nhiệt độ cao ảnh hưởng tới cá hồi ở nhiều mặt. "Cá hồi không thể lưu chuyển oxy qua vùng bụng. Chúng không có năng lượng để đẻ trứng và chết với những quả trứng khỏe mạnh trong bụng", Sue giải thích.