Sống ở nơi lạnh và tối có nguy cơ mắc đa xơ cứng
Các nhà nghiên cứu nước Anh ngày 15/11 cho biết những người sống ở các quốc gia thuộc khu vực có nền nhiệt độ thấp và ít có sự chiếu sáng của mặt trời, thường có nguy cơ cao mắc bệnh đa xơ cứng (MS). Kết quả nghiên cứu trên đã được đăng tải trên Tạp chí Thần kinh học, giải phẫu thần kinh và tâm thần học (Anh).
Nhóm các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu hơn 150.000 bệnh nhân mắc MS sinh sống ở khu vực 52 độ vĩ Bắc, nước Anh. Kết quả cho thấy những người sinh vào tháng 4 - tháng mở đầu 1 thời kỳ dài không có ánh sáng mặt trời thì số người mắt bệnh MS là13.300 người.
Trong khi đó, những người sinh vào tháng 11- một tháng sau mùa hè ở Bắc bán cầu, số người mắc MS đã giảm đáng kể, xuống còn 11.600 trường hợp trong tổng số liệu điều tra.
Tác giả nghiên cứu Sreeram Ramagopalan thuộc Đại học Queen Mary (London) cho biết tháng sinh có ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ mắc MS ở những người được điều tra. Yếu tố chính dẫn tới điều này là do tần số tiếp xúc giữa người bệnh với ánh nắng mặt trời thấp, khiến quá trình tổng hợp Vitamin D bị gián đoạn. Việc thiếu hụt Vitamin D sẽ gây ra bệnh đa xơ cứng.
Ông Ramagopalan nhấn mạnh việc thiếu hụt Vitamin D luôn là một vấn đề lớn đối với những người sống ở những vùng có vĩ độ cao và thiếu ánh sáng mặt trời. Đối với các bà mẹ đang mang thai sống tại những khu vực như thế càng nguy hiểm hơn, vì sự thiếu Vitamin D sẽ khiến cho con của họ có nguy cơ cao mắc MS và có hệ thống miễn dịch kém về sau này.
Bệnh đa xơ cứng là căn bệnh hiện chưa có thuốc chữa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tầm nhìn, sự chuyển động, sự cân bằng cảm xúc, sự điều tiết của bàng quang, và cuối cùng có thể dẫn tới bệnh mất trí.