Stephen Hawking dự báo toàn bộ vũ trụ sẽ bốc hơi và biến mất

Số phận của vũ trụ của chúng ta cuối cùng sẽ ra sao thì chưa ai có thể biết chắc chắn.

Ý tưởng mới đây nhất về sự kết thúc của vũ trụ cho rằng đơn giản là nó sẽ bốc hơi và biến mất. Đúng vậy, mọi thứ đều sẽ bốc hơi, đây cũng chính là kết luận của một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành của Hội Vật lý Mỹ.

Các nhà khoa học ở Trường đại học Radboud, Hà Lan, đã tìm hiểu lý thuyết của Stephen Hawking về việc các hố đen chết đi mà ngày nay chúng ta gọi là bức xạ Hawking, đã được nhà vật lý học lỗi lạc này dự đoán vào năm 1974.


Theo lý thuyết của Stephen Hawking, các hố đen chết đi do bốc hơi. (Ảnh: Thư viện ảnh khoa học/ Mark Garlick/Getty Images).

Theo lý thuyết vật lý lượng tử và thuyết hấp dẫn của Einstein, các hạt tự hình thành và tự hủy diệt trong môi trường hấp dẫn cực mạnh nằm ở miệng hố đen, vị trí này còn được gọi là chân trời sự kiện.

Hawking tính toán rằng đôi khi những hạt này bị mắc kẹt lại phía sau chân trời sự kiện còn các hạt khác trốn thoát ra bên ngoài dưới dạng bức xạ Hawking. Theo thời gian, khi có đủ hạt trốn thoát thì toàn bộ hố đen sẽ bốc hơi.

Bức xạ Hawking đã được quan sát thấy xảy ra ở xung quanh hố đen trong vũ trụ của chúng ta. Điều đó khẳng định những dự đoán của thiên tài vật lý học và tới thời điểm này, các hố đen là những nơi duy nhất các chuyên gia từng tìm kiếm bức xạ Hawking.

Nhưng có lẽ nghiên cứu mới vừa được Giáo sư Vật lý học Heino Falcke, Trường đại học Radboud công bố có thể thay đổi điều đó.

Nghiên cứu viết: "Các vật thể không có đường chân trời sự kiện, chẳng hạn như tàn tích của các ngôi sao chết và những vật thể lớn khác trong vũ trụ, cũng có loại bức xạ này, và sau một thời gian rất dài, việc đó sẽ dẫn đến tất cả mọi thứ trong vũ trụ cuối cùng sẽ bốc hơi, giống hệt như với các hố đen".

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học cho rằng không cần có các môi trường hấp dẫn cực mạnh để có bức xạ Hawking, mà bất kỳ thứ gì có khối lượng làm cong kết cấu của không thời gian đều có thể kích hoạt bức xạ này.

Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư toán học, vật lý thiên văn và vật lý hạt Walter van Suijlekom, ở Trường đại học Radboud, nói rằng ngoài hố đen, độ cong của không thời gian đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra bức xạ.

Những tính toán này của các nhà khoa học sẽ cần được phân tích sâu hơn và thí nghiệm để làm bằng chứng khẳng định cho những dự đoán của họ. Nhưng cho dù lý thuyết này của họ là đúng, thì cũng không có gì đáng lo ngại về tương lai của chúng ta trong thời gian sắp tới.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng để các hố đen bốc hơi thì cần có thời gian dài hơn cả tuổi đời của vũ trụ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất