Sử dụng khoa học để giám định tử thi vụ Cát Tường

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh hóa Pháp lý, Bộ Công an cho rằng, để xác định được đúng là thi thể của chị Huyền cơ quan giám định phải lấy mẫu ADN của bố mẹ đẻ và con của nạn nhân...

Sau 10 tháng chờ đợi, hy vọng, nhiều lúc đã tưởng như mọi chuyện sẽ an bài khi tung tích nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân của vụ án xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường không thấy đâu, cuối cùng, gia đình, cơ quan điều tra và dư luận cũng đã có thể thở phào. Chiều 5/8, thông tin tìm được thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã được Thượng tá Võ Hồng Phương, Phó Phòng Hình sự Công an Hà Nội khẳng định. Điều dư luận băn khoăn là dựa vào cơ sở nào để khẳng định chính xác là thi thể của nạn nhân Huyền, khi xác chết được tìm thấy và mang đi giám định đã bị phân hủy, các bộ phận cơ thể đã bị rời ra. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh hóa Pháp lý, Bộ Công an đã có lý giải về việc này.

PV: Ông có thể cho biết, cơ quan công an dựa trên những cơ sở nào để khẳng định thi thể đó là nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền?

- Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hà: Sau khi xác định được xác nạn nhân nổi trên bờ sông Hồng thuộc địa phận xã Vân Đức, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, cơ quan cảnh sát điều tra huyện Gia Lâm đã tiến hành thu mẫu, gửi đến Viện Khoa học Hình sự để tiến hành giám định ADN. Như chúng ta đã biết, giám định ADN là một trong những công cụ rất là chính xác để giúp chúng ta có thể truy nguyên được cá thể con người, xác định được quan hệ huyết thống và có thể giải quyết được các yêu cầu khác liên quan đến ADN.

Trong vụ việc này, sau khi nhận được quyết định trưng cầu mẫu vật cùng mẫu vật là một đoạn xương được thu từ thi thể nổi trên bờ sông Hồng đoạn xã Vân Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Viện Khoa học Hình sự chúng tôi đã tiến hành giám định với mục đích là xác định xem mẫu xương của người phụ nữ nổi trên bờ sông Hồng đó có phải là của chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân vụ án tại thẩm mỹ viện Cát Tường hay không.


Thẩm mỹ viện Cát Tường

Tôi là người trực tiếp chịu trách nhiệm để cùng với anh em tiến hành giám định cái xương để xác định tung tích nạn nhân.

Sau 3 ngày chúng tôi đã có được kết quả ban đầu là cái xương gửi giám định là của một người có quan hệ huyết thống mẹ con với bà Nguyễn Thị Hiền - mẹ đẻ của chị Lê Thị Thanh Huyền. Vì đây là một vụ việc hết sức quan trọng và gây ra rất nhiều bức xúc cho dư luận xã hội nên chúng tôi không vội trả kết quả ngay mà cần phải xác định một cách chính xác, khách quan rồi mới trả lời kết quả. Chính vì lý do đó, chúng tôi đã đề nghị cơ quan điều tra huyện Gia Lâm thu thêm mẫu của ông Lê Văn Viễn - bố đẻ chị Lê Thị Thanh Huyền và thu thêm mẫu của cháu Nguyễn Hữu Hòa là con đẻ của chị Lê Thị Thanh Huyền. Sau 4 ngày giám định tiếp theo, chúng tôi xác định được mẫu xương là của một nạn nhân là con đẻ của bà Nguyễn Thị Hiền và ông Lê Văn Viễn. Đồng thời, chúng tôi cũng xác định được nạn nhân đó là mẹ đẻ của cháu Nguyễn Hữu Hòa. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra kết luận để gửi cơ quan điều tra, và cơ quan điều tra chắc chắn sẽ xác định được đây là thi thể của chị Lê Thị Thanh Huyền.

Khi đã xác định được thi thể đó chính là nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, chúng ta có thể khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân gây tử vong hay không?

- Trong thực tế, để xác định được nguyên nhân gây tử vong của một thi thể nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có thể đó là tình trạng của nạn nhân nếu nạn nhân còn nguyên vẹn, chúng ta có thể xác định được nguyên nhân gây tử vong dễ dàng hơn. Trong trường hợp thi thể mà chúng ta phát hiện thì đã không còn nguyên vẹn, phần lớn chỉ còn xương. Việc xác định nguyên nhân chết của cái xương sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Vấn đề đặt ra là xác định xem có những tổn thương gì trên xương không và những tổn thương trên xương ấy do công cụ gì gây ra. Việc đó là việc của các nhà pháp y học, họ sẽ phải tiến hành giám định từng mảnh xương để xem có bị tổn thương gì hay không.

Một trong những cái quan trọng nhất của vụ án này theo tôi đó là xác định xem xác chết vứt xuống sông đó, khi vứt xuống sông là sống hay chết, tức là xác định thời gian chết trước hay sau khi bị vứt xuống sông. Để giải quyết được yêu cầu này, đối với xác còn xương như vậy là một việc rất khó khăn. Nhưng với sự phát triển của khoa học hiện đại hiện nay, tôi nghĩ rằng, có thể sẽ giải đáp được phần nào yêu cầu như tôi vừa nói.

Thông thường, với những thi thể sau bao nhiêu ngày vẫn có thể giám định được những tổn thương của cơ thể và sau bao nhiêu ngày không còn khả năng giám định nữa, thưa ông?

- Thật ra thi thể mà có thể giám định được nguyên nhân chết, giám định được những tổn thương trên cơ thể phụ thuộc vào tình trạng của thi thể. Nếu như đã để trong một tình trạng rất lâu ngày, các tổ chức phần mềm của cơ thể đã bị thối rữa thì việc xác định các tổn thương của phần mềm là hầu như không làm được nữa. Chỉ có thể xác định tổn thương trên xương, mà muốn xác định điều này thì phải có tác động ngoại lực vào xương thì mới có thể gây tổn thương cho xương.

Trong trường hợp của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, như tôi đã nói các nhà pháp y phải nghiên cứu tất cả các xương còn lại thì mới có thể xác định được sự tác động lên xương hay không. Thời gian thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố đặc biệt ở những nước nhiệt đới như Việt Nam, có độ ẩm cao, nhiệt độ nóng ẩm, thời tiết cộng với côn trùng thì phân hủy rất nhanh, mà phân hủy tử thi như thế thì việc xác định các tổn thương sẽ gặp nhiều khó khăn.

Với việc tìm thấy thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, nó sẽ ảnh hưởng ra sao trong quá trình xử án. Và vụ án sẽ đi theo hướng nào?

- Đối với các vụ án có người chết hoặc mất tích thì việc tìm được tung tích nạn nhân là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Khi chúng ta đã xác định được tung tích nạn nhân thì sẽ có căn cứ để xác định được bước điều tra tiếp theo. Biết được tung tích nạn nhân chúng ta biết được thời gian chết, biết được nạn nhân chết như thế nào và trên cơ sở đó chúng ta sẽ có những bước điều tra tiếp theo chính xác hơn.

Trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, chúng ta đã xác định được tung tích nạn nhân, trên cơ sở của những mảnh xương còn lại của nạn nhân đó các nhà điều tra sẽ có phương án tiến hành các bước tiếp theo. Xác định được tung tích nạn nhân còn giúp cho các cơ quan điều tra xác định được nhiều vấn đề khác có liên quan đến nạn nhân, chẳng hạn sẽ định danh được tội mà thủ phạm gây ra, xác định được lời khai của thủ phạm. Lời khai trước đây có nhưng chưa xác định được tung tích nạn nhân thì chưa kiểm chứng được lời khai có chính xác hay không của cả hung thủ và những đối tượng biết được những tình tiết có liên quan đến sự việc.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất