Sử dụng robot bảo vệ san hô

Nhóm nghiên cứu ở 2 trường đại học Queensland và đại học Southern Cross đã phát triển một loại robot hoạt động dưới nước mang tên "LarvalBot". Robot có nhiệm vụ vận chuyển một lượng lớn ấu trùng san hô đến các khu vực từng bị tổn hại bởi tình trạng tẩy trắng san hô trước đó.

Các ấu trùng san hô siêu nhỏ trước đó đã được các nhà khoa học thu thập từ những “cây” san hô khỏe mạnh vào mùa sinh sản vừa qua của chúng. Sau đó, họ đem các ấu trùng này về nuôi trong những khu vực đặc biệt.

Khi đã sẵn sàng, các nhà khoa học dùng robot LarvalBot đưa các ấu trùng san hô khỏe mạnh này tới những khu vực bị tẩy trắng hàng loạt. Trong lúc đó, các nhà khoa học sẽ điều khiển LarvalBot bằng Ipad trong khi ngồi trên thuyền ở phía trên mặt nước.


LavalBot hoạt động như một chiếc máy nông nghiệp phun phân bón lên cánh đồng.

“Robot LarvalBot hoạt động giống như những chiếc máy bay nông nghiệp ở dưới nước. Trong bụng của robot LarvalBot chưa đầy ấu trùng san hô. Sau đó, nó sẽ bơi lại gần các rạng san hô mục tiêu mà chúng tôi phát hiện thấy bị tẩy trắng trước đó”, giáo sư Peter Harrison thành viên của nhóm nghiên cứu so sánh hoạt động của Robot LarvalBot tương tự với việc một chiếc máy nông nghiệp phun phân bón lên cánh đồng.

“Ý tưởng của chúng tôi là tạo ra những rạn san hô mới ngay ở phía trên những rạn san hô bị tẩy trắng”, giáo sư Peter Harrison, cho biết thêm.

Trước đó, số ấu trùng này đã được các nhà khoa học lựa chọn từ các loài san hô có khả năng chống chịu tốt khi nhiệt độ nước biển tăng cao và sẽ phát triển thành các nhánh san hô mới.

Theo hiệp hội bảo vệ rạn san hô Great Barrier, chưa từng có nhóm nghiên cứu nào thực hiện sứ mệnh thử nghiệm khôi phục ấu trùng san hô kiểu này.

Giáo sư Peter Harrison: “Chúng tôi đã nuôi một lượng lớn ấu trùng san hô trong phòng thí nghiệm. Hy vọng rằng chúng tôi có thể sử dụng chỗ ấu trùng này một cách hiệu quả để phục hồi rạn san hô trên diện rộng".


Các nhà khoa học sẽ ngồi trên thuyền, dùng Ipad điều khiển LavalBot tới những khu vực san hô bị tẩy trắng

Trong quá trình thử nghiệm này, nhóm nhiên cứu đã tính toán được rằng, một con robot LarvalBot có thể phun ấu trùng san hô trên phạm vi 1.500m2. Nhưng nhóm nghiên cứu không định dừng ở đó. Họ đang tìm cách cải thiện hiệu suất của LarvalBot lên hàng triệu m2.

Giáo sư Harrison cho biết thêm rằng, robot LavalBot là phiên bản nâng cấp của robot RangerBot mà họ sử dụng thành công trước đó trong việc tiêu diệt các loại sao biển gây hại san hô. Là rạn san hô lớn nhất thế giới có diện tích lên tới 348.000km2. Great Barrier đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1981.

Suốt 30.000 năm qua, rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier đã phải đối mặt với rất nhiều hiểm họa đe dọa đến sự tồn vong của mình, như nước biển dâng, nhiệt độ nước biển tăng cao, hay lượng trầm tích dưới đáy biển tăng cao.

Thế nhưng, theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Bắc Queensland (Australia), bất chấp những hiểm nguy đe dọa, thì rạn san hô này vẫn sống sót, dù đã 5 lần đứng sát bên bờ vực của sự diệt vong.


Rạn san hô Great Barrier đã 5 lần thoát “đại nạn”, nhưng không có nghĩa là kỳ tích này sẽ chắc chắn lặp lại lần nữa.

Mặc dù trong quá khứ đã 5 lần rạn san hô Great Barrier "thoát nạn", tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng kỳ tích này sẽ chắc chắn lặp lại lần nữa, khi mà ở thời điểm hiện tại rạn san hô đang dần bị thu hẹp lại với tốc độ đáng báo động.

Bởi thế, các nhà khoa học kỳ vọng, họ có thể sớm triển khai robot LavalBot trên quy mô lớn hơn để nhanh chóng phục hồi rạn san hô này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất