Sử dụng smartphone có thể khiến con người điếc tạm thời
Việc tập trung thị giác vào màn hình thiết bị di động có thể khiến chúng ta không nghe thấy những cảnh báo âm thanh.
Bạn có thể bị điếc tạm thời khi dùng smartphone
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Journal of Neuroscience, tập trung thị giác cao độ vào màn hình điện thoại có thể khiến con người tạm thời không thể nghe được tiếng ồn gì xung quanh.
Khi mắt chúng ta tập trung vào màn hình các thiết bị để tìm kiếm phương hướng, trò chuyện hay đọc báo sẽ khiến thính giác quên mất âm thanh đang tồn tại.
Não của con người chỉ có thể xử lý một số thông tin tại cùng một thời điểm. Khi mắt chúng ta tập trung vào màn hình các thiết bị để tìm kiếm phương hướng, trò chuyện hay đọc báo sẽ khiến thính giác quên mất âm thanh đang tồn tại. Đó là lý do tại sao bạn không nghe thấy ai đang nói chuyện hay những cảnh báo âm thanh chẳng hạn như còi xe ôtô, xe máy...
Một số nhà tâm lý học gọi đây là triệu chứng điếc tạm thời, khi não bộ con người phớt lờ những thông tin dạng âm thanh được phát ra xung quanh. "Điếc tạm thời trở nên ngày càng phổ biến trong xã hội ngày nay và chúng tôi đã lý giải được nguyên nhân của nó", giáo sư Nilli Lavie của Viện nghiên cứu nhận thức và khoa học thần kinh nước Anh nói trong một báo cáo khoa học của mình.
"Ví dụ, nếu bạn cố gắng nói chuyện với một người đang tập trung cao độ vào việc đọc sách, chơi game hay chương trình truyền hình và họ không phản ứng hay trả lời bạn, đơn giản là vì họ hoàn toàn không nghe thấy gì". Điều này cũng giải thích tại sao chúng ta không thể nghe thấy còi tàu, còi xe bus khi đang sử dụng điện thoại.
Giáo sư Lavie cùng đội ngũ các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên 13 tình nguyện viên. Những người này sẽ đeo tai nghe được phát âm thanh ngẫu nhiên trong khi họ đang phải hoàn thành "nhiệm vụ thị giác": nhấn vào bàn phím máy tính phím hiện trên màn hình. Mỗi tình nguyện viên được kết nối với máy quét não bộ trong quá trình thử nghiệm.
Với các bài tập đơn giản, các tình nguyện viên vẫn nhận ra âm thanh phát ra từ tai nghe. Nhưng mức độ khó của thử nghiệm tăng dần lên khiến họ phải tập trung cao độ vào "nhiệm vụ thị giác", máy quét não bộ cho thấy rất ít phản ứng của não bộ được ghi nhận. Phân tích cho kết quả những người này gần như không nghe thấy gì.
Hiện tượng này là một trong những tác nhân cản trở giao tiếp của con người.
Nghiên cứu này chỉ trong phạm vi nhỏ không thể nói lên điều gì, nhưng khung lý thuyết của nó dựa trên báo cáo khoa học của giáo sư Lavie và cộng sự về hiện tượng mù tạm thời (khi con người nhìn thấy mọi thứ nhưng lại không hình dung hoặc quên những hình ảnh đó nếu bị phân tâm).
Điếc tạm thời là hiện tượng khá vô hại nhưng nó sẽ khiến những người đối diện chúng ta cảm thấy khó chịu khi họ đang cố gắng giao tiếp với bạn. Giáo sư Lavie cho rằng: "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra hạn chế của bộ não con người trong những tình huống cụ thể".
Ông đưa ra những tình huống cho thấy sự nguy hiểm của hiện tượng này: bác sỹ phẫu thuật tập trung vào ca phẫu thuật mà không nghe thấy âm báo tình trạng khẩn cấp, người đi bộ nhìn chằm chằm vào điện thoại mà không nghe thấy chuông xe đạp... Nghiên cứu trước đây cũng cho thấy nhiều phi công không thông báo đến trung tâm điều khiển khi họ đang gặp tình huống khẩn cấp.