Sự nguy hiểm của sát thủ giấu mặt
Siêu núi lửa quy ẩn bao nhiêu năm nay có thể thức giấc một ngày nào đó, mang đến sự hủy diệt thảm khốc cho hàng triệu người tại Ý.
Vào những ngày xa xưa, Campi Flegrei không khác chi cánh cửa địa ngục đang khép hờ. Nằm dọc theo vịnh Naples, không xa thành phố cổ đã bị tàn phá Pompeii, nơi hàng ngàn người bị đông cứng mãi mãi trong bộ dạng hãi hùng khi đối mặt với cái chết vào năm 79, chính là “siêu núi lửa” đang được cảnh báo có thể trỗi dậy và tiêu diệt hàng triệu người. Campi Flegrei hiện là điểm thu hút nhiều khách thập phương, những người hiếu kỳ muốn tận mắt chứng kiến các lỗ phun khí lưu huỳnh và lớp bùn lầy sôi sùng sục. Tuy nhiên, đây là khu vực có hoạt động địa chấn kinh người, từng được người xưa gọi là “cửa vào địa ngục”. Đáng nói ở đây là có hàng triệu người đang cư ngụ phía trên hung thần này.
Các chuyên gia lo sợ một ngày nào đó thảm họa Pompeii sẽ giáng xuống vùng Naples
Giuseppe De Natale, Trưởng dự án khoan sâu vào lòng Campi Flegrei, cho biết những khu vực như vậy có thể sản sinh các vụ phun trào với sức hủy diệt ngang bằng với những lần va chạm thiên thạch xa xưa trong quá khứ.
Theo Reuters, các nhà khoa học đang lên kế hoạch khoan 5,5km phía dưới lớp vỏ trái đất để theo dõi khoang khổng lồ chứa đá bị tan chảy gần Pompeii, từ đó phát đi cảnh báo sớm trong phạm vi 13km xung quanh miệng núi lửa. Campi Flegrei được xếp ngang với siêu núi lửa Yellowstone ở Mỹ, nhưng mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều, do nó nằm dưới khu vực đông dân cư của vùng Naples, với dân số khoảng 3 triệu người. Tuy nhiên, dự án trên đang đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ các nhà khoa học địa phương, những người lo ngại việc khoan quá sâu vào lòng đất như vậy có thể kích hoạt vụ phun trào mãnh liệt, hoặc gây địa chấn.
Benedetto De Vivo, nhà hóa địa của Đại học Naples, thuộc phe phản đối chuyện khoan sâu vào lòng đất. Hội đồng thành phố Naples đã cấm cửa dự án trên vào năm 2010, nhưng việc đào bới đã tiếp diễn ở khu mỏ bỏ hoang tại Bagnoli, phía tây Naples, vào cuối tháng 7 sau khi thị trưởng mới Luigi De Magistris thông qua. Trưởng nhóm De Natale bác bỏ những lo ngại mà ông cho là vô căn cứ. Theo ông, khoan là biện pháp duy nhất để phát hiện lịch sử địa chất của khu vực đầy nguy hiểm này, vì các vụ phun trào gần đây đã chôn vùi mọi chứng cứ trước đó. Nhóm đã tìm thấy được phần đá núi lửa trong lần hoạt động cách đây 15.000 năm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia hy vọng có thể tìm hiểu nguyên nhân của một hiện tượng đặc biệt, theo đó mặt đất được nâng lên hoặc lún xuống dần qua thời gian có liên quan đến núi lửa. Dù thường diễn ra chậm chạp, kỳ cuối cùng của hiện tượng này có thể chứng kiến mặt đất dâng cao 3,5m trong vòng 15 năm, từng khiến khoảng 30.000 dân di tản khỏi vùng Pozzuoli vào những năm 1980 và giới chức cấm hoạt động đánh cá tại khu vực này.
Chuyên gia De Natale bảo đảm sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra trong quá trình khoan, vì khoang chứa nham thạch nằm sâu đến 7km, trong khi mục tiêu chỉ sâu 3,5km, khi nhiệt độ vào khoảng 500 độ C.