Sự sống ở Trái Đất bắt nguồn từ mưa thiên thạch?
Hãng tin ANSA ngày 1/3 dẫn một nghiên cứu mới vừa được đăng tải trên tạp chí PNAS của Mỹ nói rằng, sự sống trên Trái Đất đã xuất hiện khi trận mưa thiên thạch đầu tiên đổ xuống hành tinh của chúng ta.
Mẫu thiên thạch "Grave Nunataks 95229"
Nghiên cứu này, do các nhà khoa học Mỹ thuộc Đại học Tổng hợp bang Arizona và Đại học Tổng hợp California, Santa Cruz tiến hành, đã củng cố những giả thuyết trong nhiều năm qua cho rằng, các thiên thạch đã mang đến Trái Đất chất ammonia, loại chất vốn cần thiết cho việc kiến tạo sự sống.
Các thí nghiệm trong nghiên cứu, được đồng điều phối bởi nhà khoa học người Italy, Sandra Pizzarello thuộc Đại học Arizona, được tiến hành với một mẫu thiên thạch rất cổ được tìm thấy ở Nam Cực. Đó là mẫu thiên thạch "Grave Nunataks 95229" được phát hiện năm 1995.
Các nhà nghiên cứu cho biết, họ đã phát hiện thành phần của mẫu thiên thạch này nguyên thủy hơn so với các mẫu thiên thạch khác. Một phát hiện quan trọng đó là khi được đặt ở trong môi trường thí nghiệm tương đương với môi trường của Trái Đất thời cổ xưa, với nhiệt độ và áp suất cực kỳ cao, lượng bụi phát tán từ mẫu thiên thạch này chứa một lượng khá lớn ammonia.
Các chuyên gia cho rằng vì thế, rất có thể chất ammonia mà đã đặt nền móng cho những tiến trình đầu tiên liên quan đến sự sống là đến từ trong vũ trụ. Đây là loại chất xúc tác đã thúc đẩy việc hình thành các phân tử hữu cơ đầu tiên, cách đây từ 2,7-4,4 tỷ năm.
Những phân tích hóa học còn cho thấy mẫu thiên thạch này rất giàu nitrogen. Nitrogen là nguyên tố được phát hiện trong những loại protein và ADN mà đã hình thành nên nền tảng cơ bản của sự sống như chúng ta đã biết.
Theo giả thuyết mới nói trên, hành tinh của chúng ta có lẽ đã được các sao chổi hoặc thiên thạch mang đến mầm sống, bởi vì quá trình kiến tạo của Trái Đất không thể cung cấp đầy đủ thành phần để tạo nên những phân tử vốn cần thiết cho các tiến trình kiến tạo nên sự sống thuở sơ khai.