Sự thật đằng sau phát thanh viên AI đầu tiên trên thế giới

Hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc vừa cho ra mắt người dẫn chương trình thời sự bằng trí tuệ nhân tạo (AI) với vẻ ngoài và cách dẫn tin hệt như con người.

Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc, vừa gây bất ngờ khi công bố AI dẫn chương trình thời sự đầu tiên trên thế giới. Được mô phỏng hình ảnh từ hai người dẫn chương trình của đài, AI có thể tự đọc dẫn và biên tập tin tức bằng Tiếng Anh và Tiếng Trung Quốc.

“Hai người dẫn chương trình AI đã chính thức trở thành thành viên thuộc ban tin tức của Tân Hoa Xã, họ sẽ cùng những biên tập viên khác để biên tập và đưa tin chính xác, kịp thời trong cả hai thứ tiếng trên kênh truyền hình của hãng”, đại diện Tân Hoa Xã cho biết.


Người dẫn chương trình AI trên bản tin Tiếng Anh của Tân Hoa Xã. (Ảnh: New China TV).

Trong bài phát biểu, Tân Hoa Xã cho biết người dẫn AI có thể hoạt động 24 giờ mỗi ngày trên tất cả phương tiện truyền thông, từ trang web đến các trang mạng xã hội và kênh đài, giúp giảm chi phí sản xuất tin bài và nâng cao hiệu quả của công việc.

Hãng thông tấn này đã phát triển công nghệ mới cùng Sogou, công ty sở hữu công cụ tìm kiếm lớn thứ 2 ở Trung Quốc. Các bên liên quan hiện vẫn chưa công bố chính xác họ đã làm điều này như thế nào, nhưng AI đã được trải qua quá trình tập luyện kỹ lưỡng đến mức nó có thể dẫn chương trình tự nhiên như con người.

Cơ quan này cho biết trí tuệ nhân tạo của mình đã tự học cách dẫn tin qua việc quan sát những bản tin thời sự khác. AI khi lên sóng truyền hình sẽ đọc tin từ văn bản đã được soạn trước. “Tôi sẽ làm việc không mệt mỏi để giúp bạn luôn được cập nhật, tin tức được đưa vào hệ thống của tôi sẽ không bao giờ bị gián đoạn”, người dẫn AI nói trong bản tin Tiếng Anh đầu tiên bằng một giọng nói tổng hợp.


Người dẫn chương trình AI trên bản tin Tiếng Trung. Hình ảnh người thật và giọng nói được lấy từ dẫn chương trình Qiu Hao.

Hình ảnh và giọng nói người dẫn chương trình AI được lấy từ người thật, nhưng chuyển động của miệng, nét mặt được tổng hợp từ máy tính. Có thể dễ dàng thấy được, nét mặt vẫn còn hạn chế, giọng nói vẫn mang đậm nét từ âm thanh tổng hợp của robot, khẩu hình được chỉnh sửa cho khớp với ngôn từ chứ không phải được phát ra tự nhiên.

Trí tuệ nhân tạo và công nghiệp truyền thông

Trong thời kỳ mà biên chế biên tập đang ngày càng giảm, lượng thông tin cần đăng tải lại tăng đến chóng mặt, thì các tờ báo đang dần hướng tới AI như một cứu tinh. Hãng thông tấn AP đã bắt tay với công ty Automated Insights và cho ra các bài viết báo cáo dữ liệu từ năm 2014.

BBC News sử dụng Juicer như công cụ lọc thông tin. Công nghệ này lọc thông tin liên tục từ 850 tờ báo trên toàn thế giới và chiết xuất thông tin trích dẫn từ đó. Nó sẽ sắp xếp thông tin theo 4 dạng: tổ chức, địa điểm, con người, sự việc, giúp các phóng viên muốn tìm thông tin sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.


Trí tuệ nhân tạo đã có mặt trong công nghiệp truyền thông và dần thay thế được nhiều việc của con người.

Năm 2016, Reuters kết hợp với công ty công nghệ Graphiq để cho ra mắt hàng loạt các dữ liệu interactive trên nhiều chuyên mục khác nhau như thể thao, giải trí, chính trị, với các con số được cập nhật theo thời gian thực. Đây là cách mới giúp dễ dàng thu hút độc giả và đưa số liệu vào bài viết một cách bắt mắt, không khô khan và dễ hiểu.

Tờ Washington Post đã bắt đầu thí nghiệm báo chí AI bằng cách sử dụng Heliograf. Họ bắt đầu ứng dụng công nghệ này vào hè 2016 để ra mắt các bài viết về thế vận hội Olympic tại Rio de Janeiro, đưa ra các phân tích chính xác về những gì diễn ra và đăng tải trên nhiều nền tảng khác nhau.

Tờ Guardian cũng cho ra mắt Chatbot của mình trên Facebook vào năm 2016. Để tiết kiệm thời gian kéo News Feed xuống xem từng bài viết, chatbot này cho phép người dùng chọn ấn phẩm Mỹ, Anh hay Úc của tờ Guardian, chọn khoảng thời gian đưa tin và nó sẽ tự động gửi các bài viết được nhận định là hay với từng người, mỗi ngày qua tin nhắn trên Facebook Messenger.

Trí tuệ nhân tạo và tham vọng của Trung Quốc

Trung Quốc định hướng phát triển chính mình thành một quốc gia mạnh mẽ về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Việc công bố công nghệ mới này không chỉ giới thiệu sản phẩm mới trong lĩnh vực công nghệ lẫn ngành truyền thông, mà còn khẳng định năng lực của quốc gia này.

Quốc gia tỷ dân đã liên tục đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống thường nhật, từ xe hơi tự lái, tàu ngầm quân sự đến công nghệ nhận diện khuôn mặt phục vụ cho mục đích an ninh. Ngành công nghiệp AI trong nước đã tăng trưởng 67% trong năm qua và tầm nhìn đến năm 2030, nước này sẽ dẫn đầu thế giới về AI.


Chỉ cần dựa vào hình ảnh khuôn mặt, âm thanh giọng nói hay dáng đi, hệ thống trí tuệ nhân tạo và máy chủ khổng lồ của chính phủ Trung Quốc sẽ nhanh chóng xác định được danh tính của một người bất kỳ.

Ở khắp nơi trên đất nước này, có hàng trăm triệu camera theo dõi được đặt để giám sát và nhận diện người dân. Chỉ cần dựa vào hình ảnh khuôn mặt hay âm thanh của giọng nói, hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ nhanh chóng xác định được danh tính của người đó và ghi nhận vào hệ thống.

Vượt xa hơn, công ty Watrix của Trung Quốc vừa cho ra đời công nghệ mới, giúp nhận diện được một người chỉ dựa vào dáng đi của họ. Theo đó, một người dù đứng cách xa 50 mét so với camera theo dõi và che kín mặt mũi, vẫn có thể bị lộ danh tính chỉ vì dáng đi và tỷ lệ chính xác lên đến 94%.

WeChat, nền tảng đa chức năng trực tuyến, xử lý đến 7 tỷ bức ảnh mỗi ngày và phần rất lớn trong số chúng được thực hiện tự động bởi máy tính. Nhưng số hình ảnh này không chỉ xử lý để khiến chúng trở nên đẹp hơn hay gọn nhẹ hơn, mà còn phục vụ cho việc xác minh danh tính của người dùng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất