Sự thật về bộ hài cốt "ma cà rồng" bị quật mồ 200 năm trước
John Barber bị người cùng thời quy cho là “ma cà rồng”, tuy nhiên trên thực tế, ông chỉ là một người nông dân bình thường và đã chết vì bệnh lao.
Sau khi qua đời, Barber bị chính người nhà mình quật mồ, đặt xương sọ và các chi lên phía trên xương sườn theo biểu tượng đầu lâu xương chéo bởi họ tin ông là ma cà rồng, và ở vùng quê New England đầu những năm 1800s thì đó là cách họ “diệt trừ” ma quỷ.
Người ta đặt lại hài cốt của ông vào một ngôi mộ khác bằng đá, thay cho chiếc quan tài gỗ cũ kĩ, khắc trên nắp những chữ viết tắt tên và tuổi của ông, “JB 55”.
200 năm sau cái chết của “ma cà rồng” nổi tiếng nhất nước Mỹ, với công nghệ phân tích ADN và giải phẫu hiện đại, các nhà khoa học không chỉ biết được được danh tính mà còn xác định được John Barber trong quá khứ có lẽ là một người nông dân chăm chỉ.
Bộ xương của một người đàn ông tên là John Barber hiện được lưu giữ để nghiên cứu tại Bảo tàng Y tế và Sức khỏe. (Ảnh: Michael E. Ruane/Washington Post).
Nỗi sợ "ma cà rồng"
Ông bị mất răng cửa hàm trên, điều đó càng chứng minh không hề có khả năng Barber là “ma cà rồng” có thể cắn cổ người khác để hút máu. Ông từng bị gãy xương đòn, viêm khớp và những dấu vết trên xương sườn cho thấy có lẽ Barber đã chết rất đau đớn do căn bệnh lao.
Người ta bắt đầu nghiên cứu hài cốt của John Barber từ năm 1990 khi quan tài của ông được tìm thấy ở một mỏ sỏi ở Griswold, bang Connecticut. Những phát hiện mới này được công bố ngày 23/7, trong báo cáo của các chuyên gia thuộc phòng thí nghiệm ADN của Hệ thống Giám định Y tế Lực lượng Vũ Trang ở Dover, bang Delaware.
Trường hợp của John Barber nhận được sự chú ý đặc biệt vì đây là bộ hài cốt được đồn rằng của “ma cà rồng” duy nhất còn sót lại để nghiên cứu.
Xương hộp sọ của hài cốt John Barber. (Ảnh:Michael E. Ruane/Washington Post).
Những phát hiện này đã làm sáng tỏ nỗi sợ ma cà rồng kỳ lạ ở New England - đặc biệt là Connecticut và đảo Rhode - vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, cũng như mối liên hệ của nó với dịch bệnh lao.
Dịch lao lây lan nhanh chóng và đáng sợ, tuy nhiên người đương thời không biết về căn bệnh này và cho rằng những người chết trở thành ma cà rồng, đội mồ sống dậy, đi hút máu và lây truyền bệnh dịch cho người sống. Người mắc bệnh lao ho ra máu, nhợt nhạt, hốc hác, tím tái và có những ven máu nổi lên quanh miệng - có lẽ vì vậy mà họ bị cho là “ma cà rồng”.
Vào thời đó, họ tin rằng ma cà rồng mạnh hơn sau khi chết và phải quật mộ để giết nó thêm một lần nữa. Ma cà rồng thường bị nghi là người trong nhà đã chết do bệnh dịch và quay lại lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình. Bởi vậy mà chính những người thân phải tiến hành nghi lễ quật mộ để trừ ma. Các chuyên gia đã ghi nhận khoảng 80 trường hợp tương tự, chủ yếu ở vùng nông thôn New England.
Họ không muốn nhưng vẫn làm điều này trong tuyệt vọng và sợ hãi vì không còn cách nào khác để bảo vệ những người đang sống khỏi ma cà rồng.
Một mảnh vỡ từ nắp quan tài của John Barber có khắc ký hiệu viết tắt tên và tuổi của ông “JB 55”. (Ảnh: Washington Post).
Cách tốt nhất để giết ma cà rồng là kiểm tra xác chết xem liệu có còn chất lỏng (máu) còn sót lại trong tim hay không. Nếu có, người chết được cho là ma cà rồng. Người ta sẽ lấy quả tim ra và đốt cháy, các thành viên trong gia đình phải hít khói thiêu để ngăn bệnh trở nên nặng hơn.
Các vụ việc tương tự đã xuất hiện từ lâu ở châu Âu, nơi có nhiều trường hợp ghi nhận các xác chết bị đào lên, đốt cháy, sắp xếp lại các bộ phận, chặt đầu…
Cuộc truy tìm tung tích người đã chết 200 năm
Trong trường hợp của Barber, thi thể của ông đã phân hủy hết nên có lẽ không còn quả tim nào để đốt. Vì vậy, xương ức đã bị phá vỡ, xương sọ và xương đùi được đặt lại theo biểu tượng “đầu lâu xương chéo”.
Ban đầu khi phát hiện ra bộ hài cốt khoảng 30 năm trước, người ta không thể xác định được danh tính của ông.
Tuy nhiên, nhờ công nghệ tiên tiến trong việc phân tích nhiễm sắc thể Y trong bộ mã ADN và dự đoán tên họ thông qua dữ liệu phả hệ có trên Internet, các chuyên gia đã tìm ra họ của người mất là Barber. Sau đó, họ kiểm tra nghĩa trang cũ và dữ liệu báo chí để xem liệu có bất kỳ người nào có họ là Barber từng sống ở Griswold hay không.
Các chuyên gia đã phát hiện ra một đoạn tin trên báo đề cập đến một cậu bé 12 tuổi mất năm 1826 tên là Nathan Barber, có cha là John Barber. Họ cũng tìm thấy một ngôi mộ gần “JB 55” có một cỗ quan tài với ký hiệu “NB 13” được khắc trên nắp.
Sơ đồ nghĩa trang họ Walton. (Ảnh: Bill Keagan/Nhà khảo cổ học Bang Connecticut).
Dự án này khởi điểm vào tháng 11/1990 khi một nghĩa trang bị bỏ hoang được phát hiện trong quá trình khai thác mỏ sỏi ở Griswold. Những bộ xương người và các phần quan tài vỡ vụn lổn nhổn trong lớp đất đá, và ba cậu bé chơi ở gần đó bắt gặp hai hộp sọ người rơi xuống một bờ kè.
Các nhà điều tra cuối cùng đã thu thập được hài cốt của 27 người gồm 5 đàn ông, 8 phụ nữ và 14 trẻ em từ 28 ngôi mộ một bãi chôn lấp cũ được gọi là Nghĩa trang họ Walton (trong đó có một ngôi mộ trống).
Ngôi mộ số 4 là khác thường nhất. Các bộ hài cốt đều trong tư thế bình thường, trừ JB 55.
Tuy nhiên, thay vì ma cà rồng, John Barber chỉ là một người bình thường - một nông dân không dư dật, làm việc vất vả (phỏng đoán từ các dấu vết của bệnh viêm khớp trên hài cốt). Ông chết do lao phổi, điều đó thể hiện rõ qua kết quả giám định các tổn thương trên xương sườn. Các phần xương bộ phận bị sắp xếp lại khi ngôi mộ bị đào lên để “trừ ma”.
Ở New England những năm 1800s, các gia đình truyền thống thường có rất nhiều thành viên. Họ không hiểu biết về các bệnh truyền nhiễm, bởi vậy khi có người trong nhà bị lao, họ vẫn ngồi ăn cùng nhau, ngủ cùng phòng và tất yếu sẽ lây bệnh cho nhau. Điều đó tạo nên bệnh dịch và cả nỗi sợ ma cà rồng vô căn cứ.