Sự thật về thân thế của thiên tài hội họa Leonardo da Vinci
Nghiên cứu mới tiết lộ thiên tài hội họa Leonardo da Vinci chỉ mang trong mình một nửa dòng máu Italy vì mẹ ông là nô lệ đến từ vùng Kavkaz (nằm ở biên giới giữa châu Á và châu Âu).
Trước đây, người ta tin rằng Caterina di Meo Lippi, mẹ của Leonardo da Vinci, là một nông dân ở Tuscan (Italy). Tuy nhiên, một chuyên gia về danh họa thời Phục hưng tin rằng sự thật phức tạp hơn thế.
Trong buổi ra mắt sách mới The Smile of Caterina, Carlo Vecce, giáo sư tại Đại học Naples (Italy), nói với AFP bà Caterina là nô lệ người Circassian ở vùng Tây Bắc Kavkaz bị bán đến thành phố Venice rồi Florence của Italy. Tại điểm đến cuối cùng, bà gặp một công chứng viên trẻ tuổi, Piero da Vinci. Họ nên duyên và sinh ra con trai có tên là Leonardo.
Giáo sư Carlo Vecce ra mắt sách về mẹ của Leonardo da Vinci. (Ảnh: Getty Images).
Theo Daily Mail, Giáo sư Vecce là người dành nhiều thập kỷ nghiên cứu về tác giả bức tranh Mona Lisa. Ông đưa ra tuyên bố trên sau quá trình tìm hiểu và nghiên cứu kho lưu trữ của Florence.
Bất kỳ phát hiện mới nào về da Vinci đều bị tranh cãi gay gắt bởi nhóm chuyên gia nghiên cứu về ông, nhưng Giáo sư Vecce, được công nhận là học giả hàng đầu trong lĩnh vực này, khẳng định có bằng chứng.
Trong số các tài liệu mà ông tìm thấy có một tài liệu do chính cha của da Vinci viết. Đó là giấy chứng nhận giải phóng hợp pháp cho Caterina, để lấy lại tự do và phục hồi phẩm giá con người cho bà.
Văn kiện cổ của Piero da Vinci mà nhà sử học Carlos Vecce đã tìm thấy. (Ảnh: ABC News).
Tài liệu đề năm 1452 - năm sinh của da Vinci. Giáo sư Vecce công khai nó trong cuộc họp báo tại trụ sở của nhà xuất bản Giunti ở Florence vào ngày 14/3. Ông Vecce cho biết nó được viết bởi “người đàn ông yêu Caterina khi bà vẫn còn là nô lệ, cùng bà sinh ra đứa con tên là Leonardo và cũng là người đã giúp giải phóng bà”.
Phát hiện mới tạo ra sự thay đổi hoàn toàn về cách nhìn nhận đối với da Vinci.
Khi Caterina được cho là xuất thân nông dân, các nhà sử học chỉ ra vì sinh ra ở ngôi làng ngoại ô Florence, da Vinci không được giáo dục chính quy để nối nghiệp cha. Thay vào đó, ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách là người học việc trong xưởng vẽ của họa sĩ Florentine Verrocchio. Đến năm 18 tuổi, ông trở thành thành viên của hội họa sĩ danh tiếng, mặc áo chẽn màu hoa hồng và để bộ râu dài uốn xoăn.
Tuy nhiên, nếu Caterina là nô lệ và từ nơi khác đến, Giáo sư Vecce tin rằng cuộc sống khó khăn của mẹ đã ảnh hưởng đến công việc của con trai thiên tài.
“Caterina để lại cho Leonardo một di sản vĩ đại, chắc chắn là tinh thần tự do đã truyền cảm hứng cho tất cả công trình khoa học trí tuệ của ông. Ông ấy không để bất cứ điều gì ngăn cản mình”, chuyên gia phân tích.
Xuất thân được cho là ảnh hưởng đến sự nghiệp vĩ đại của da Vinci. (Ảnh: Getty Images).
Tiến sĩ Matthew Landrus, cũng là học giả hàng đầu về da Vinci, cho biết công trình của Giáo sư Vecce là "rất quan trọng và thú vị".
Anh ấy nói với MailOnline rằng nó cung cấp cho các học giả nhiều thông tin và tăng thêm cuộc thảo luận về Caterina.
Paolo Galluzzi, nhà sử học kiêm thành viên của học viện khoa học Lincei danh tiếng ở Rome (Italy), nhận định nghiên cứu này cho đến nay là thuyết phục nhất.
Ông nhấn mạnh với AFP không ngạc nhiên nếu da Vinci có nguồn gốc nô lệ.
“Thời kỳ mà da Vinci được sinh ra đánh dấu sự khởi đầu của tính hiện đại, sự giao lưu giữa con người, các nền văn hóa và nền văn minh đã khai sinh ra thế giới hiện đại”, ông giải thích.
Ngoài việc là con ngoài giá thú, da Vinci còn thuận tay trái - được coi là lời nguyền từ quỷ dữ vào thời điểm đó. Ông cũng bị nghi là người đồng tính ở giai đoạn lịch sử mà người đồng giới yêu nhau có thể bị chôn sống.
Bất chấp tất cả, ông trở thành biểu tượng văn hoá Italy. Ông tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn, không chỉ về tiền bạc mà còn lịch sử, nghệ thuật như Mona Lisa, Last Supper (bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus với các môn đệ trước khi bị đóng đinh), Vitruvian Man (người đàn ông khỏa thân ở hai tư thế chồng lên nhau)…
Không chỉ hội họa, ông còn bộc lộ khả năng thiên tài trong lĩnh vực kỹ thuật dân dụng, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc và máy móc quân sự.
Ông thiết kế các phiên bản máy bay và trực thăng vào hàng thế kỷ trước chuyến bay đầu tiên chạy bằng động cơ.
Việc mổ xẻ xác người của ông, lúc bấy giờ là điều cấm kỵ, đã làm sáng tỏ một số tri thức về cơ bắp và hệ thần kinh.
Đáng tiếc, những thành tựu này bị giấu kín suốt 200 năm. Khi qua đời, ông để lại những ghi chú của mình cho người học việc trẻ tuổi Francesco Melzi. Con trai của Melzi sau đó được thừa hưởng những ghi chú và bỏ chúng trong tủ gác mái.
- Những thiết kế vượt thời gian của Leonardo da Vinci
- Leonardo da Vinci và những bí mật không phải ai cũng biết
- Cuốn sách Codex Leicerster của Leonardo da Vinci đắt nhất thế giới