Sư tử đực gây chú ý vì "kiểu tóc" kỳ lạ
Con sư tử với bộ bờm theo kiểu mái bằng như một "minh tinh trên thảm đỏ" tại các sự kiện đã khiến cộng đồng mạng bất ngờ.
Bờm sư tử là đặc điểm dễ nhận biết nhất của loài, với việc kích thước và màu sắc của chúng thay đổi theo nhiều yếu tố, từ gen di truyền đến môi trường sống. Thông thường, những chiếc bờm sư tử sẽ mọc vô cùng "hoang dại", và vô cùng thiếu gọn gàng, vì chúng chẳng bao giờ "tỉa tót" lại bộ bờm của mình.
Hình ảnh con sư tử với "kiểu tóc" kỳ lạ được cư dân mạng chia sẻ.
Tuy nhiên trong một bức hình được chia sẻ bởi cộng đồng mạng, một con sư tử đực đã xuất hiện với bộ bờm chỉn chu, gọn gàng, như được vừa được đi "thẩm mĩ viện".
Điều đáng nói là vườn thú Quảng Châu, Trung Quốc - nơi chú sư tử này đang cư ngụ, lại khẳng định rằng họ không hề cắt lông cho con vật. Theo một tuyên bố chính thức, việc cắt bờm sư tử là quá nguy hiểm, vì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, cũng như tập tính của chúng.
Họ cho rằng chiếc bờm có thể đã bị ảnh hưởng bởi độ ẩm không khí ở Quảng Châu, khiến nó mọc tựa như một kiểu tóc khá phổ biến ở nam giới.
Con sư tử đực đã xuất hiện với bộ bờm như vừa đi "thẩm mĩ viện" về.
Dẫu vậy, rất ít người đã nghiêm túc tin vào tuyên bố của sở thú. Một số người dùng trên mạng xã hội thậm chí còn cáo buộc các nhân viên ở đây nói dối, vì chỉ cách đây vài tháng, con sư tử này vẫn còn có một chiếc bờm bình thường, còn bây giờ, nó trông giống như một mái tóc cực kỳ chỉn chu.
Họ cho rằng đây có thể là một chi tiết được vườn thú dựng lên nằm "câu kéo" khách du lịch tại khắp nơi trên thế giới đến và chiêm ngưỡng con sư tử có "bộ tóc" vô cùng đặc biệt này.
Thông thường đối với sư tử đực, chiếc bờm đóng vai trò là "lá chắn" bảo vệ cho phần cổ và gáy của nó trong các cuộc chiến lãnh thổ với các đối thủ khác.
Chiều dài bờm cũng là yếu tố báo hiệu sức khỏe và sự thành công trong các mối quan hệ xung đột giữa các con đực. Theo một quy tắc đơn giản, là nếu bờm tối hơn, dày hơn cho thấy sư tử đực có một thể trạng khỏe mạnh hơn.
Nguyên nhân là bởi màu sắc và kích thước của bờm có liên quan đến điều kiện tiên quyết trong di truyền, yếu tố trưởng thành, và khả năng sản sinh testosterone.
Một điều khá thú vị mà ít ai biết, đó là không phải sư tử đực nào cũng có bờm, hoặc nếu có thì rất ngắn. Điều này xảy ra khi sư tử bị thiếu hormone testosterone - thứ có liên quan đến sự tăng trưởng bờm.
Ở chiều ngược lại, sư tử cái cũng có thể có bờm, như một số trường hợp được ghi nhận ở phía Bắc Botswana (Nam Phi). Trường hợp này xảy ra khi những cá thể cái ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về testosterone.
- Phát hiện hai loài thằn lằn mới ở Machu Picchu
- "Siêu thần thú" xuất hiện khiến cư dân mạng Nhật Bản xôn xao
- Hóa ra động vật có sừng khi húc nhau cũng bị... chấn thương sọ não