Súng có thể kích hoạt các suy nghĩ bốc đồng ngay cả khi người cầm nó là người tốt
Một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, ngay cả khi bạn nhìn một ai đó cầm súng, bất kể họ là người tốt hoặc xấu, nó cũng có thể kích thích những suy nghĩ bạo lực, thù hằn và nguy hiểm ở bạn.
Mới đây một nghiên cứu đã chỉ ra, việc cầm súng có thể tác động như thế nào đến suy nghĩ và hành động của một người khác.
Kể từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã không ngừng băn khoăn về câu hỏi, liệu sự hiện diện của một khẩu súng có làm tăng sự hung hăng và tính bốc đồng của một người hay không
Một bức ảnh người cầm súng cũng có thể kích thích những suy nghĩ bạo lực xuất hiện.
Trong một nghiên cứu mới nhất được đăng tải trên Tạp chí Social Psychological and Personality Science (Khoa học tính cách và Tâm lý học xã hội), các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy, sự xuất hiện của một khẩu súng có thể làm tăng suy nghĩ hung hăng, gây hấn của một người. Thậm chí một bức ảnh người cầm súng cũng có thể kích thích những suy nghĩ bạo lực xuất hiện.
Theo Psypost, tất cả xuất phát từ hiệu ứng vũ khí. Bạn biết có bao nhiêu tác dụng của vũ khí? Theo một nghiên cứu do hai nhà khoa học Leonard Berkowitz và Anthony LePage thực hiện vào năm 1967 cho thấy: "Súng không chỉ tạo ra bạo lực, chúng còn có thể kích thích chúng ta. Chúng ta thường thấy ngón tay bóp cò súng nhưng cò súng dường như đang kéo ngón tay thì đúng hơn".
Đúng vậy, nghiên cứu này đã chỉ ra một thứ gọi là hiệu ứng vũ khí. Đó là khi nhìn thấy vũ khí, đặc biệt là súng, con người có xu hướng hung hăng và bị kích động cao hơn so với những người khác.
Trong khi đó với nghiên cứu mới nhất do nhà khoa học Brad J. Bushman cùng các cộng sự tại Đại học bang Ohio, họ chỉ tập trung tìm hiểu ảnh hưởng của các yếu tố theo ngữ cảnh dẫn đến hiện tượng này.
Nghiên cứu xoay quanh việc có hay không các loại người khác nhau cầm súng nhưng vẫn có thể hình thành suy nghĩ bốc động, tiêu cực, bất kể nhận thức và con người của họ ra sao. Nghiên cứu gồm hai thí nghiệm riêng biệt.
Thí nghiệm đầu tiên có 470 người tham gia với độ tuổi từ 18-22 tuổi. Các đối tượng sẽ được nhìn 8 bức ảnh với nội dung là những người dùng súng để chống lại con người. Các bức ảnh có nội dung gồm: tội phạm mang súng; binh lính trong quân đội, cảnh sát mặc cảnh phục và cầm súng; cảnh sát mặc thường phục và không có súng,…
Bất kể khi bạn nhìn thấy một ai cầm súng hoặc dùng súng, nó cũng sẽ kích thích những suy nghĩ bốc đồng rất nguy hiểm.
Sau khi các đối tượng xem bức ảnh, họ được yêu cầu phải hoàn thành các đoạn câu gồm 22 từ càng nhanh càng tốt để đo lường những suy nghĩ tiêu cực. Cụ thể hình ảnh mà những tình nguyện viên nhìn thấy có ảnh hưởng đáng kể đến số lượng các từ mà họ đánh vần. Đặc biệt sự hiện diện của khẩu súng có thể kích thích suy nghĩ hung hăng ở những người tham gia bất kể người mang súng trong ảnh người tốt hoặc kẻ xấu với các trang phục khác nhau.
Đối với thí nghiệm thứ hai gồm 627 người trong độ tuổi từ 18-80, các nhà nghiên cứu đã làm điều tương tự nhưng các đối tượng được nhìn vào những người điềm đạm, bình tĩnh cầm súng và nhắm vào mục tiêu chứ không phải con người. Nghiên cứu đã phát hiện thấy khi một người nhìn thấy ai đó cầm súng, họ dường như có biểu hiện gây sự, hùng hổ hơn so với những bức ảnh chụp những người điềm đạm không cầm súng.
Điểm chung của các nghiên cứu trên chủ yếu nhằm làm sáng tỏ hiệu ứng vũ khí và phần nào cho thấy, bất kể khi bạn nhìn thấy một ai cầm súng hoặc dùng súng, nó cũng sẽ kích thích những suy nghĩ bốc đồng rất nguy hiểm.
Đáng tiếc hạn chế của hai nghiên cứu trên là chưa có một thước đo trực tiếp về hành vi gây hấn ở những người tham gia. Hy vọng rằng các nghiên cứu trong tương lai sẽ tiếp tục làm rõ hơn tác động của hiệu ứng vũ khí với suy nghĩ và hành động của con người.
Tuy nhiên nghiên cứu trên cũng mở ra những lý thuyết hết sức quan trọng. Nếu nắm bắt được tác động của hiệu ứng vũ khí, các nhà chức trách sẽ biết cách để giảm thiểu các vụ xả súng và thanh toán lẫn nhau bằng súng.