Sụt lún tại khu vực châu thổ có liên quan tới hoạt động của con người
Một nghiên cứu của trường Đại học Colorado tại Boulder cho biết hầu hết châu thổ các con sông thấp đang bị sụt lún dần do tác động của con người. Do vậy, khu vực châu thổ càng dễ bị tấn công bởi lũ từ sông và bão biển. Cuộc sống của hàng chục triệu người đang bị đe doạ.
Vào năm 2007, báo cáo của Ban bồi thẩm Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu đưa ra kết luận rằng nhiều khu vực châu thổ đang bị đe doạ bởi mực nước biển dâng cao. Nghiên cứu mới này chỉ ra rằng các nhân tố liên quan tới con người chính là nguyên nhân khiến tình trạng này ngày một trầm trọng hơn. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc sụt lún ở châu thổ sông từ Châu Á, Ấn Độ đến Châu Mỹ tồi tệ thêm là do lớp bồi tích ở thượng lưu đã bị hồ, đập, kênh nhân tạo và đê cuốn ra biển.
Nghiên cứu này kết luận rằng 24 trong số 33 khu vực châu thổ lớn nhất trái đất đang lún dần. 85% trong số này đã phải hứng chịu lụt lội nghiêm trọng trong những năm gần đây, để lại hậu quả là khoảng 100 000 dặm đất đai đã bị nhấn chìm. Người ta ước tính có khoảng 500 triệu người đang sống ở khu vực châu thổ các con sông trên toàn thế giới.
Kết quả nghiên cứu được công bố vào ngày 20.9.2009 trên tờ Nature Geoscience. Điều hành chương trình nghiên cứu này là giáo sư James Syvitski. Ông nhận trọng trách sử dụng 4.2 triệu USD tiền do Quỹ khoa học quốc gia Hoa Kì tài trợ để mô hình hoá những quá trình diễn ra trên toàn cầu ở quy mô rộng như xói mòn và lũ lụt. Được biết đến với tên gọi Hệ thống mô hình hoá động lực bề mặt (CSDMS), nỗ lực này thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học đến từ các phòng thí nghiệm liên bang và đại học trên toàn nước Mỹ.
Các tác giả của nghiên cứu đã dẫn chiếu dự báo của Ban bồi thẩm Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu năm 2007. Theo đó, lũ ở châu thổ sông sẽ tăng 50% cùng với mực nước biển tăng thêm 18 inch vào cuối thế kỉ. Lũ thậm chí sẽ nhiều hơn nếu lớp bồi tích do hồ ở thượng nguồn châu thổ và các dự án nắn dòng chảy của sông tiếp tục triển khai, ngăn cản sự mở rộng của châu thổ.
Albert Kettner, đồng tác giả của nghiên cứu này tại Viện nghiên cứu Bắc cực và dãy Al-pơ, trường Đại học Colorado, thành viên nhóm CSDMS cho biết: “Chúng tôi cho rằng khu vực châu thổ của các con sông thấp ngày càng dễ bị lũ lụt tấn công từ sông hay từ bão biển. Nghiên cứu chỉ ra rằng rất nhiều nhân tố liên quan đến con người - không chỉ mình mực nước biển dâng cao - đã khiến cho tình hình sụt lún ở khu vực châu thổ diễn ra nhanh hơn.”
Các tác giả khác cùng tham gia nghiên cứu này bao gồm Irina Overeem, Eric Hutton, Mark Hannon đến từ Đại học Colorado, G. Robert Brakenridge - Đại học Dartmouth, John Day - Đại học Louisiana, Charles Vorosmarty - Đại học New York, Yoshiki Saito - Cục khảo sát địa chất Nhật Bản, Liviu Giosan - Viện Hải dương học và Robert Nichols - Đại học Southampton - Anh.
Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh từ phi thuyền con thoi của NASA. Phi thuyền Endeavour đem theo các thiết bị rada, quét qua hơn 80% bề mặt trái đất trong sứ mệnh dài 12 ngày trong năm 2000. Các nhà nghiên cứu đối chiếu những dữ liệu này với các tấm bản đồ được xuất bản vào giữa những năm 1760 và 1922.
Overeem, đến từ Đại học Colorado, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu của INSTAAR và CSDMS cho biết: “Mỗi năm, có khoảng 10 triệu người bị ảnh hưởng bởi bão. Bão Katrina ở Mỹ có lẽ là ví dụ rõ nhất. Tuy nhiên, ở Châu Á, lũ ở châu thổ sông Irrawaddy – Myanma và Ganges Brahmaputra ở Ấn Độ và Bangladesh cũng khiến tổn thất về người lên đến con số hàng ngàn.”
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng những thảm hoạ tương tự có thể sẽ xảy ra ở châu thổ sông Pearl, Trung Quốc và châu thổ sông Mekong ở Việt Nam. Hàng ngàn dặm ở hai khu vực này nằm dưới mực nước biển và hàng năm vẫn phải hứng chịu bão theo chu kì.
Các tác giả của nghiên cứu cho hay: “Mặc dù con người đã nắm bắt được hoạt động hàng ngày của các con sông ở khu vực trũng, nhưng chúng ta vẫn không thể đương đầu được với các cơn bão có sức dâng nước biển lên cao từ 3 tới 10 mét. Vẫn còn đó những cảnh báo về mật độ lũ lụt ở khu vực châu thổ, dù lũ đến từ đất liền hay từ biển. Và xu hướng này có vẻ ngày một tồi tệ hơn.”
Syvitski, giáo sư khoa học địa lý của Đại học Colorado cho biết: “Chúng tôi rất tâm đắc với việc nghiên cứu tìm hiểu đất liền và biển đã thay đổi như thế nào theo thời gian và làm thế nào mà các vật chất như nước, lớp bồi tích và các chất dinh dưỡng đã được vận chuyển từ nơi này tới nơi khác. Nỗ lực của CSDMS sẽ đem đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về trái đất và cho phép chúng ta dự đoán chính xác hơn về những khu vực có nguy cơ bị đe doạ do phá rừng, cháy rừng, thay đổi việc sử dụng đất và hậu quả của biến đổi khí hậu.”